Gỡ khó trong phát triển Đảng ở nông thôn

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:25, 04/09/2018

(HNM) - Như nhiều địa phương khác, công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, đảng bộ một số huyện đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác này.

Lễ kết nạp đảng viên ở một chi bộ tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức.


Thay đổi nhận thức, tăng trách nhiệm

Theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan, trước đây nhiều đảng viên có suy nghĩ, nếu kết nạp quần chúng ưu tú trẻ vào Đảng thì không được đi khỏi địa phương, phải ở lại để cống hiến. Suy nghĩ này khiến việc phát triển Đảng ở chi bộ nông thôn vốn đã khó khăn, lại càng thêm chật vật, nhất là khi số thanh niên có xu hướng đi làm ăn xa ngày càng nhiều. “Đó là cách nghĩ chưa đúng. Dù sau khi được kết nạp Đảng, đảng viên có chuyển đến tổ chức Đảng ở nơi khác thì vẫn cống hiến được. Sau khi các đồng chí này trở về quê sinh sống sẽ là nguồn cán bộ cho địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã tuyên truyền để thay đổi cách nghĩ đó” - đồng chí Nguyễn Đăng Hoan nói. Nhờ thay đổi nhận thức mà 9 chi bộ thôn của Đảng bộ xã Yên Sở đã khắc phục được tình trạng thiếu nguồn, bình quân các chi bộ kết nạp được 5 đảng viên/năm.

Cách đây 4 năm (năm 2014), Huyện ủy Phúc Thọ phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức hội thảo “Công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn”, đưa ra nhiều giải pháp giúp các chi bộ khắc phục khó khăn. Từ đó đến nay, Đảng bộ huyện Phúc Thọ luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên do Thành ủy Hà Nội giao. Thống kê hơn 4 năm qua, Đảng bộ huyện Phúc Thọ đã kết nạp được 1.204 đảng viên, trong đó có 416 đồng chí (chiếm 34,6%) kết nạp ở chi bộ nông thôn.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Minh Tăng cho biết, có 4 kinh nghiệm quý được rút ra từ việc đổi mới công tác phát triển Đảng ở chi bộ nông thôn của huyện. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp ủy cơ sở và đồng chí bí thư chi bộ phải được nâng cao; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm thực hiện công tác phát triển Đảng. Đặc biệt, chi bộ cần phân công cụ thể và nâng cao trách nhiệm cho từng đảng viên trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng; chú trọng phát huy vai trò của các đảng viên lão thành, đảng viên có uy tín. Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phúc Thọ, phải gắn trách nhiệm của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí huyện ủy viên, trưởng ngành phụ trách xã và đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở đối với công tác phát triển Đảng; coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm.

Chủ động tìm “nguồn”


Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn là thiếu nguồn kết nạp. Vì vậy, yếu tố then chốt là phải tập trung phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nguồn.

Đầu năm nay, Ban Tổ chức Huyện ủy Đan Phượng có sáng kiến phối hợp với Huyện đoàn tổ chức tọa đàm “Vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn”. Không chỉ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong công tác phát triển Đảng ở nông thôn, thông qua buổi tọa đàm, các đại biểu còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Đáng chú ý, theo Bí thư Đoàn xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Ngô Duy Quý, các tổ chức Đoàn phải chủ động tìm và xây dựng nguồn phát triển Đảng, tránh tình trạng, khi có chỉ tiêu trên giao mới rà soát, tìm nguồn giới thiệu.

Đảng bộ huyện Thanh Trì cũng có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đảng viên ở chi bộ nông thôn. Năm 2017, Đảng bộ huyện kết nạp được 350 đảng viên (chỉ tiêu giao là kết nạp 200 đảng viên), trong đó 30% là đồng chí được kết nạp ở chi bộ nông thôn. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết, cách làm của huyện là tập trung lãnh đạo các đoàn thể, các chi bộ Đảng thực hiện việc rà soát nguồn phát triển Đảng để chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua, từ đó phát hiện những nhân tố điển hình. Ngoài ra, Đảng bộ huyện còn chú trọng tập huấn nghiệp vụ công tác phát triển Đảng cho bí thư, phó bí thư chi bộ. “Để tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở, huyện còn linh hoạt trong tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhằm tạo thuận lợi cho quần chúng” - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì chia sẻ thêm.

Một số địa phương khác cũng có cách làm hay như: Huyện ủy Phú Xuyên ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn, trong đó đề ra những giải pháp khắc phục khó khăn về công tác phát triển Đảng. Bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ huyện rút ra là, các cấp ủy Đảng phải làm tốt việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các đoàn thể quần chúng trong việc chăm lo, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú để giới thiệu cho tổ chức Đảng. Nhờ sự có chủ động, Đảng bộ huyện Phú Xuyên thường xuyên hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm với tỷ lệ đảng viên được kết nạp ở chi bộ nông thôn chiếm trên, dưới 50%.

Thành công của các đảng bộ nêu trên cho thấy, nếu cấp ủy các cấp quan tâm sát sao và có các giải pháp đồng bộ; đồng thời phát huy trách nhiệm của các đoàn thể và đảng viên thì hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn, làm tốt công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn.

Bài, ảnh: Võ Lâm