Cần minh bạch để cạnh tranh bình đẳng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 05/09/2018
Chọn mua hàng hóa tại siêu thị Big C. |
- Làn sóng mua bán, sáp nhập dồn dập của các đại gia bán lẻ nước ngoài chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường cũng như các nhà bán lẻ Việt Nam. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết có thể thấy, mối quan hệ vốn không cân bằng giữa các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nhỏ đang dần thay đổi khi có thêm nhiều hệ thống siêu thị ra đời. Họ đã tỉ mỉ hơn, tìm hiểu người tiêu dùng kỹ hơn và đồng hành nhiều hơn với các nhà sản xuất nhỏ. Một trong những biểu hiện của chính sách này là ưu tiên lựa chọn các nhà sản xuất chưa có thương hiệu để hợp tác làm hàng nhãn riêng và hai bên cùng đứng tên trên sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều chính sách kinh doanh hiện nay đang tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong những năm đầu, các nhà đầu tư “ngoại” được hưởng nhiều ưu ái như được hỗ trợ nhanh chóng các địa điểm tốt để kinh doanh; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc giảm 50% trong vòng 2 năm đầu, trong khi các nhà bán lẻ trong nước mở siêu thị không được hưởng những ưu đãi đó. Nhiều nơi muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên đã dành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư “ngoại”. Nhận thức như vậy vô tình đã gạt hệ thống phân phối “nội” ra ngoài cuộc. Khi việc mất cân bằng xảy ra, thì hệ thống phân phối nước ngoài sẽ chi phối mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất nội địa và người tiêu dùng.
- Theo ông, cần có những giải pháp gì để phát triển ngành bán lẻ cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước?
- Chính sách hỗ trợ doanh nghiêp “nội” trước hết phải đi từ việc hỗ trợ cho sản xuất, lợi nhuận của người sản xuất và hệ thống phân phối. Nhà nước có thể hỗ trợ hệ thống phân phối bằng cách xây dựng các tập đoàn mạnh, làm ăn thật và có tiềm lực dẫn dắt thị trường làm đối trọng. Theo tôi, nên ủng hộ một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Saigon Co.op...
Bên cạnh đó, chúng ta cần giảm bớt khâu trung gian và kiểm soát phí chiết khấu vào các hệ thống bán lẻ. Tất cả đều làm được, song cần sự đồng lòng của nhiều nhà: Nhà sản xuất, doanh nghiệp và khoa học. Chúng ta đã thua các nước trong phát triển nông nghiệp là thiếu cánh đồng mẫu lớn, thiếu đầu tư sản xuất bằng cơ giới hóa, năng suất không cao, lại hay gặp thiên tai hạn hán khiến hao hụt thu hoạch nông sản của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực. Nếu không khắc phục các điểm yếu này, lại thêm cách đội giá qua các khâu trung gian, nông sản Việt trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Ông đánh giá như thế nào về sự công khai trong hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ cũng như mong muốn cạnh tranh công bằng của khối doanh nghiệp này?
- Cần công khai, minh bạch thuế của các siêu thị trong và ngoài nước, không chỉ bán lẻ mà còn các mảng nhà hàng, dịch vụ kèm theo để chuyên gia và nhân dân giám sát, tiến tới các siêu thị lớn phải kết nối phần mềm bán hàng thường xuyên với Cục Thuế để kiểm soát doanh thu. Điều này cũng giúp ngành Thuế dễ làm việc hơn. Đơn cử như ở Trung Quốc, siêu thị bán một cái bút là lập tức chạy về Cục Thuế, còn ở nước ta vẫn đứng yên trong phần mềm bán hàng của siêu thị. Thẳng thắn mà nói, một số siêu thị đang ăn cả hai đầu: Đầu vào (ép nông dân và nhà cung ứng), đầu ra (trốn thuế).
Nhiều đơn vị được tuyên dương về nộp thuế nhưng thực ra doanh nghiệp nộp 10 tỷ đồng tiền thuế chưa chắc đã bằng doanh nghiệp nộp 1 tỷ đồng, bởi thuế phải tính trên doanh thu thì mới rõ lợi nhuận của doanh nghiệp bao nhiêu. Chính sự mờ mịt này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và các nhà bán lẻ nghiêm chỉnh sẽ bị ép chết, bởi "buôn tài không bằng trốn thuế".
- Trân trọng cảm ơn ông!