Xử lý dứt điểm văn bản trái luật

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 06/09/2018

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Điều này phản ánh tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, đòi hỏi có giải pháp xử lý dứt điểm một cách hiệu quả.


Theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã rà soát, phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật cho thấy, công tác kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng hiệu quả hơn. Song đồng thời cũng là trăn trở của những người làm công tác pháp luật, làm sao để công tác xây dựng, ban hành văn bản sẽ không còn những văn bản sai, phải “tuýt còi”.

Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật mới đây cho thấy, trong số văn bản trái luật có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày… Do không có đầy đủ thông tin nên Bộ Tư pháp chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ, toàn diện về hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, qua báo cáo có thể nhìn nhận, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Riêng tại Bộ Tư pháp, trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Nội dung được dư luận quan tâm là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định khi cấp "sổ đỏ", phải thể hiện thông tin họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những người trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, khiến nhiều người dân nhận định sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính phức tạp.

Vào cuộc kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là cần thiết, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Cục đã có ý kiến lùi thời điểm có hiệu lực của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Để xử lý văn bản trái pháp luật, trước mắt Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra.

Đồng thời kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30-11-2018. Bộ Tư pháp kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai sót, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về lâu dài, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thực tiễn.

Hải Hà