Đường sạch hơn, phố đẹp hơn
Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 07/09/2018
Việc triển khai đấu thầu “Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020” đã giúp chất lượng thu gom rác được nâng cao. Ảnh: Viết Thành |
Chuyển biến tích cực
Sau gần một năm rưỡi thực hiện duy trì bảo đảm vệ sinh môi trường theo phương thức đấu thầu tập trung trên địa bàn Hà Nội, theo đánh giá của liên ngành Xây dựng - Tài chính, công tác vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đường phố sạch hơn. Đặc biệt, ý thức của người dân trong việc giữ sạch đường phố, ngõ xóm, đổ rác “đúng cách, đúng giờ, đúng nơi quy định” ngày một nâng cao.
Các nhà thầu đã chủ động xây dựng phương án duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, bao gồm phương án bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, đầu tư mua sắm phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển... Qua kiểm tra của liên ngành Xây dựng - Tài chính, đa số các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác cơ giới hóa đáp ứng yêu cầu của thỏa thuận khung, gồm: Xe quét hút bụi, xe thu gom, vận chuyển rác thải,... Cùng với đó, phương thức thu gom rác thải sinh hoạt cũng được thực hiện một cách linh hoạt: Bố trí các thùng thu gom rác tại 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa); thực hiện thu gom rác theo giờ đối với các huyện ngoại thành hay kết hợp cả 2 phương thức trên đối với các quận còn lại, tùy theo địa bàn dân cư. Đặc biệt, việc cơ giới hóa tối đa trong thu gom rác vừa giảm chi phí nhân công, vừa tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm - Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, để thực hiện hợp đồng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường với quận Hoàn Kiếm, đơn vị đã đầu tư 8 xe tải nhỏ, 10 xe quét hút, 16 xe vận chuyển rác; rà soát, lắp đặt gần 1.200 thùng thu gom rác. Công tác duy trì vệ sinh môi trường được triển khai bằng nhiều biện pháp phù hợp với từng khu phố, từng địa bàn phường; kết hợp tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm vứt rác bừa bãi. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh môi trường có những chuyển biến rõ nét.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), việc áp dụng cơ giới hóa thu gom rác, quét hút đường được áp dụng hiệu quả tại địa bàn các quận có điều kiện hạ tầng tốt như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy đường phố sạch hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, lượng bụi đã giảm hẳn, nhất là khu vực 4 quận trung tâm...
Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) nhận xét, thông qua tuyên truyền, hướng dẫn của các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh đường phố, ngõ xóm đã được nâng lên rất nhiều.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Cơ giới hóa hoạt động vệ sinh môi trường giúp tăng năng suất, hiệu quả. Ảnh: yên khánh |
Cũng trong hơn một năm triển khai đấu thầu vệ sinh môi trường, không ít vướng mắc đã nảy sinh cần tháo gỡ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại một số địa phương, việc cơ giới hóa trong thu gom quét hút, đặt thùng rác và đổ thùng bằng xe cơ giới còn chưa được thực hiện triệt để. Tại huyện Thanh Oai, tỷ lệ cơ giới hóa thu gom rác trên địa bàn chỉ đạt hơn 60%. Thậm chí, ở Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì... không thực hiện được công tác quét hút bụi bằng xe cơ giới do nhiều tuyến đường hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đủ điều kiện thực hiện.
Đáng chú ý, việc đặt thùng rác và thu gom rác bằng cơ giới ngay tại nội thành cũng gặp ít nhiều khó khăn, chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Nhiều thùng rác bị dịch chuyển vị trí, phá hỏng, đốt, mất trộm. Chân thùng rác trở thành điểm tập kết rác gây mùi hôi, mất vệ sinh... Ngoài ra, công tác vận chuyển rác về các khu xử lý vẫn chưa bảo đảm vệ sinh, nhất là với các huyện ngoại thành. Trong hơn một năm qua, đã có 21 trường hợp vi phạm bị xử lý trong quá trình vận chuyển rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) như để chảy nước rác, vệ sinh xe không sạch, chở quá tải, phủ bạt không kín...
Vướng mắc khác được nhiều quận, huyện đề cập, đó là công tác duy trì vệ sinh môi trường thực tế lớn hơn khối lượng trúng thầu được phê duyệt. Do vậy, nhiều quận, huyện, thị xã đã có văn bản báo cáo, xin điều chỉnh khối lượng gói thầu. Ông Nguyễn Ngọc Oanh - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường địa bàn huyện Chương Mỹ cho biết: Theo hồ sơ thầu, tần suất thu gom, vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã là 8 ngày/lần. Trong khi đó, đại diện các xã đều cho rằng tần suất trên không bảo đảm duy trì vệ sinh. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo tăng tần suất duy trì vệ sinh ngõ xóm tại 30 xã trên địa bàn huyện lên 2-3 ngày/lần, “lệch” khá lớn so với hồ sơ... Bên cạnh đó, còn có ý kiến về mức phí dịch vụ vệ sinh môi trường; định mức, đơn giá các hạng mục được phê duyệt chưa phù hợp với thực tế...
Về những vướng mắc trên, ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đang rà soát, tổng hợp các đề xuất để điều chỉnh, bổ sung khối lượng gói thầu, định mức, đơn giá... Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn ngày một tốt hơn, liên ngành Xây dựng - Tài chính cũng đã đề xuất UBND thành phố, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện vai trò của chủ đầu tư, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng, nhật ký công trình hằng ngày; chấn chỉnh các đơn vị chưa thực hiện tốt; chủ động xử phạt, hoặc xem xét dừng hợp đồng đối với các nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo hồ sơ gói thầu.