Sức sống lâu dài cho thư viện
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 09/09/2018
Trong những năm qua, mạng lưới thư viện (trong đó có loại hình thư viện công cộng) được đánh giá là phát triển rộng khắp cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, thực tế này chưa đáp ứng được những yêu cầu đổi mới đang đặt ra, chủ yếu do sự phát triển không đồng đều, cơ sở lạc hậu, hoạt động nghèo nàn, đặc biệt là ở nhiều vùng nông thôn…
Trong khi đó, thực tế, khá nhiều mô hình thư viện được hình thành với nhiều dạng thức khác nhau đã phản ánh một diện mạo, cũng như tiềm năng phát triển hoàn toàn khác so với thư viện công cộng. Đó là mô hình tủ sách cộng đồng, hệ sinh thái đọc trong trường học, các câu lạc bộ đọc sách…
Từ đây, nhìn lại câu chuyện mới nổi lên về việc một số địa phương có chủ trương sáp nhập cơ học thư viện cấp tỉnh, cấp huyện vào một số thiết chế văn hóa khác, để thấy những vấn đề cả trước mắt và lâu dài nhằm phát huy sức mạnh của loại hình thư viện này.
Trước hết, chủ trương của một số địa phương về sáp nhập thư viện nói trên đã không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Văn phòng Chính phủ mới có công văn gửi Bộ VH-TT&DL về kiểm tra, hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng, nhằm bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 19-NQ/TƯ.
Tuy nhiên, câu chuyện trên là "tín hiệu đỏ" về yêu cầu phát triển thực chất, hiệu quả của thư viện công cộng. Và không có cách nào khác, thư viện công cộng phải chuyển mạnh từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, nâng sức hút và hiệu quả đọc để thực sự sống trong đời sống và văn hóa đọc của cộng đồng.
Thực tế, ngay Thư viện quốc gia Việt Nam cũng phải thay đổi về rất nhiều mặt để bước cùng nhịp với hoạt động thư viện khắp nơi trên thế giới. Tỉnh Quảng Ninh thì xây dựng thư viện tỉnh như một công trình kiến trúc, văn hóa, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, thu hút được cả bạn đọc, khách du lịch…
Tất nhiên, việc đổi mới mô hình thư viện công cộng ở cấp huyện, cấp tỉnh là không dễ, đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Trước tiên, phát triển thư viện công cộng ở địa phương cần được các cấp quản lý xem như một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng một ngành nào; đồng thời phải coi đây là hoạt động, sự tích lũy lâu dài cho tiềm lực, diện mạo địa phương. Từ đó có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, hiệu quả.
Phát triển hệ thống thư viện công cộng đặc biệt rất cần lựa chọn, bồi đắp đội ngũ thủ thư thực sự là cầu nối văn hóa đọc giữa độc giả với thư viện, chứ không phải là một nhân viên hành chính. Thư viện công cộng ngoài việc cho mượn, trả sách, tài liệu phải có thêm các hoạt động giao lưu văn hóa đọc, gắn với hoạt động văn hóa của địa phương, để thu hút độc giả mọi lứa tuổi…
Gia đình, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cũng có vai trò đáng kể trong lan tỏa, khuyến khích các hoạt động đọc sách, giao lưu văn hóa tại thư viện công cộng.
Rõ ràng, hiệu quả và chỉ có hiệu quả hoạt động thực sự mới có thể tạo được sức sống lâu dài cho thư viện công cộng, góp phần bồi đắp nền tảng tri thức cho cộng đồng, tạo đà cho những đổi thay, phát triển lâu bền của đất nước.