Thách thức nâng cao chất lượng
Văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 09/09/2018
Nhiều bạn đọc thường xuyên đến Thư viện Hà Nội học tập và nghiên cứu. Ảnh: Thụy Du |
Thiết chế văn hóa quan trọng
Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết, nhiều thập kỷ qua, thư viện đã tồn tại, phát triển và là một thành tố không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa của mỗi địa phương. Việc đầu tư và phát triển hệ thống thư viện công cộng không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của người dân mà còn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tiến trình gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” và hai đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, việc phát triển hệ thống thư viện công cộng để phục vụ bạn đọc tiếp cận tri thức luôn được nhấn mạnh. Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2017, hoạt động thư viện ở Việt Nam có nhiều khởi sắc. Mạng lưới thư viện cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu giảm sút.
Theo thống kê của Vụ Thư viện, tổng số thư viện công cộng và phòng đọc sách cơ sở năm 2017 là 20.768 thư viện (tăng 15% so với năm 2016). Hệ thống thư viện công cộng hiện có gần 41 triệu bản sách, bình quân số bản sách/người/năm là 0,44. Hệ thống thư viện công cộng cũng có chuyển biến đáng kể từ năm 2017 với tổng số lượt bạn đọc đạt 29 triệu lượt, tổng số sách báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2016), với 480.000 thẻ bạn đọc. Năm 2017 cũng là năm có sự bứt phá trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện cấp huyện với 9,9 triệu lượt bạn đọc và 20 triệu lượt sách báo luân chuyển (tăng 40% so với năm 2016).
Các thư viện liên tục đổi mới hình thức phục vụ bạn đọc. Ngoài phục vụ tại chỗ và cho mượn về nhà, luân chuyển sách báo đến các địa phương thì các thư viện còn tổ chức xe thư viện lưu động, phục vụ bạn đọc qua hệ thống máy tính, giao lưu giới thiệu sách, thi kể chuyện sách...
Tại Thủ đô, Thư viện Hà Nội với hai cơ sở tại 47 Bà Triệu và 2B Quang Trung (quận Hà Đông) đang cung cấp cho độc giả hơn 571.000 tài liệu, trong đó có 20.000 tài liệu về địa chí Hà Nội. Trung bình mỗi năm Thư viện phục vụ hơn 307.000 lượt bạn đọc, cấp khoảng 9.000 thẻ, trong đó trên 50% là bạn đọc học sinh. Bên cạnh sách, báo, tạp chí, Thư viện Hà Nội cung cấp sách điện tử, băng đĩa phục vụ bạn đọc, có phòng đọc đa phương tiện, phòng đọc cho người khiếm thị. Vì vậy, lượng độc giả tìm đến học tập, nghiên cứu giữ ổn định và có xu hướng tăng.
Những lo ngại chính đáng
Tuy nhiên, gần đây, một số địa phương có chủ trương, kế hoạch sáp nhập cơ học thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác. Điển hình có các tỉnh Long An, Lai Châu, Kon Tum, Lào Cai triển khai sáp nhập thư viện tỉnh với bảo tàng, ban quản lý di tích, trung tâm văn hóa tỉnh. Cấp cơ sở có huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ)… đã hoặc có chủ trương sáp nhập thư viện với các trung tâm văn hóa, đài truyền thanh.
Nhiều thư viện đang áp dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Ảnh: Thụy Du |
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL) Hoàng Minh Thái nhận định, một số địa phương đã hiểu chưa đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết nêu trên chỉ đề cập đến việc “kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có”, nhưng có địa phương lại áp dụng vào các thư viện tỉnh và sáp nhập hệ thống thư viện cấp huyện.
Ông Trần Văn Hà đã chỉ ra những nguy cơ khi tiến hành sáp nhập thư viện công cộng với các thiết chế văn hóa khác, đó là chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; không phát huy hiệu quả của từng thiết chế, dẫn đến phá vỡ hệ thống thư viện; giảm thời gian dành cho hoạt động thư viện, cán bộ thư viện bị điều động làm công việc khác hoặc kiêm nhiệm nên khả năng phục vụ bạn đọc bớt chu đáo…
Chính vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3099/VPCP-KGVX ngày 28-8-2018 gửi Bộ VH-TT&DL về kiểm tra, hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng, nhằm bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, kịp thời chấn chỉnh những nội dung chưa phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong những năm qua, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người đọc có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức không chỉ ở thư viện. Nếu không đổi mới, thì hệ thống thư viện sẽ dần thưa vắng độc giả. Ông Trần Văn Hà khẳng định, chỉ có cách đầu tư, tạo dựng không gian văn hóa đọc lành mạnh, hấp dẫn, coi độc giả là khách hàng để phục vụ thì hệ thống thư viện mới có thể hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ và đứng vững trong đời sống.
Cụ thể, Thư viện Hà Nội luôn đổi mới hoạt động bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bạn đọc, số hóa tài liệu tiến tới hình thành thư viện số, thư viện điện tử. Thư viện đã xây dựng những không gian phù hợp với từng đối tượng độc giả, các khu vui chơi, thư giãn trong thời gian đọc sách…
Luôn đổi mới, đa dạng hình thức, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc là hướng tốt nhất để khẳng định vị trí của hệ thống thư viện công cộng trong đời sống xã hội.