Khó khăn thu giá dịch vụ môi trường nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 10/09/2018

(HNM) - Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 54/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 31-12-2016 về việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn TP Hà Nội... tại một số địa phương, việc triển khai đang gặp không ít khó khăn.


Theo Công văn 1423/UBND-KT ngày 28-3-2017 (cụ thể hóa Quyết định số 54/QĐ-UBND) về mô hình tổ chức thu và chỉ tiêu thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn TP Hà Nội, công tác thu và chỉ tiêu thu được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các quận, huyện, thị xã trực tiếp thực hiện.

Ban này phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thu, gồm: Giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt (của hộ dân); giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với rác thải công nghiệp thông thường (của các hộ sản xuất kinh doanh). Theo quy định, mức thu đối với hộ dân ở khu vực nông thôn là 3.000 đồng/người/tháng. Mặc dù vậy, thực tế, ở nhiều vùng ngoại thành, việc thu khoản phí này không dễ dàng...

Cán bộ phụ trách môi trường thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Tạ Thị Hương Sen cho biết, đến ngày 1-8, thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường đợt 1 năm 2018 trên địa bàn mới được gần 3,6 tỷ đồng (đạt 68%). Trong đó, các xã như Phù Linh, Minh Tân, Phú Cường, Thanh Xuân, Minh Phú, Minh Trí chỉ đạt 40-55%; một số xã, tỷ lệ thu đạt rất thấp (20-25%) như Mai Đình, Xuân Thu, Bắc Phú...

Cũng do việc thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường đạt thấp nên từ tháng 6-2018, 12 xã của huyện Sóc Sơn đã quay trở lại cách thu trước đây là giao cho các tổ, đội vệ sinh môi trường xã thực hiện theo hình thức “tự thu - tự chi” kết hợp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển với Công ty CP Môi trường đô thị huyện Sóc Sơn nên còn nhiều bất cập...

Tương tự, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Mai Văn Kiên cho biết, tỷ lệ thu giá vệ sinh môi trường của huyện Mê Linh chỉ đạt hơn 50%. Trong khi đó tại huyện Chương Mỹ, tổng số tiền thu được đến hết tháng 6-2018 là hơn 2,5 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch năm...

Việc thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường đạt thấp do rất nhiều nguyên nhân. Theo bà Tạ Thị Hương Sen: Ở Sóc Sơn, khoảng 10% số dân có hộ khẩu trên địa bàn nhưng họ đi học hoặc làm việc nơi khác nên rất khó thu. Còn cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm Vũ Huyền Lê cho biết, theo quy định, những tuyến đường dưới 2m không được đưa vào đấu thầu vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, tại một số nơi ở huyện Gia Lâm như xã Bát Tràng, đường ngõ xóm rất nhỏ, với chiều rộng chỉ 60-70cm, công nhân môi trường chưa vào được ngõ nhỏ để vệ sinh môi trường mà các hộ dân phải mang rác ra đường lớn mới có xe thu gom. Đây là thực tế khiến nhiều hộ dân chưa nhất trí với việc nộp phí; hoặc ở một số nơi, việc thu phí giao cho các xã, thị trấn thực hiện nhưng chính quyền địa phương chưa quyết liệt dẫn đến kết quả chưa cao...

Trước những khó khăn trên, ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố có chế tài để xử lý người dân, doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

Ngoài ra cần điều chỉnh phù hợp đối với việc thu phí của cá nhân không sinh sống thường xuyên ở địa phương; cán bộ cơ sở cần quyết liệt và có trách nhiệm hơn trong thu giá dịch vụ môi trường nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của thành phố.

Minh Phú