Cùng "cộng sinh"!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 11/09/2018
Trước hết là tình trạng trốn đóng, lách Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra qua nhiều năm. Điển hình nhất là việc nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động trên cơ sở mức tiền công, tiền lương thấp hơn thực tế. Nhiều đơn vị trích tiền lương của người lao động nhưng lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm mà dùng vào việc khác. Hoặc vi phạm nghiêm trọng nhất là chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn, trong khi thực tế người lao động làm việc dài hạn ở đơn vị... Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, sợ bị sa thải và không nắm rõ pháp luật nên người lao động không dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Mặt khác, vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn những khúc mắc. Đã có nhiều trường hợp nợ bảo hiểm được chuyển sang tòa án, nhưng chưa có vụ nào được đưa ra xét xử. Ngay cả việc Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã có điều luật (Điều 216) quy định “tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”. Song, việc thực hiện điều luật này (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) trên thực tế cũng được cân nhắc kỹ. Bởi không phải cứ nợ là đưa ra khởi tố ngay vì đằng sau đó còn là sinh mệnh của doanh nghiệp và đội ngũ người lao động. Về cơ bản, giải pháp chính vẫn là tuyên truyền, thuyết phục chủ sử dụng lao động tự giác chấp hành.
Trong bối cảnh ấy, việc Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được ban hành ngày 23-5-2018 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội trong giai đoạn tới. Trong đó, có nhiều chính sách ưu việt hơn, như: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội... Chính sách này ảnh hưởng tới hầu khắp người dân, vì thế việc cần làm nhất trong thời điểm này là xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý và người lao động nắm bắt, thực hiện nghiêm túc.
Trước mắt, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề có nhiều doanh nghiệp, công đoàn cấp tỉnh, thành phố cần lập nhóm tư vấn hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động, không để họ “cô đơn” khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động. Với những vụ trốn đóng, lách luật bảo hiểm điển hình cần phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngoài ra, cần kiên trì đẩy mạnh đối thoại để các chủ sử dụng lao động hiểu rằng, việc bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua chăm lo quyền lợi nói chung và chế độ bảo hiểm nói riêng cũng chính là để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chỉ khi người lao động yên tâm làm ăn thì họ mới toàn tâm, toàn ý cho công việc. Ngược lại, nếu chủ doanh nghiệp “ăn xổi” thì việc người lao động “nhảy việc”, làm việc bê trễ… rất dễ xảy ra.
Chỉ khi cả hai phía người sử dụng lao động - người lao động nhìn nhận vấn đề trên ở góc độ “cộng sinh”, nhà quản lý kịp thời thay đổi chính sách sát thực tế, xử lý nghiêm vi phạm thì câu chuyện nợ, trốn đóng bảo hiểm mới có thể “hạ nhiệt”. Cùng "cộng sinh" sẽ mang lại quyền lợi lâu bền cho chính mỗi bên!