Đánh thức tiềm năng cao nguyên đá

Công nghệ - Ngày đăng : 06:54, 11/09/2018

(HNM) - Việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông qua những dự án cụ thể đã và đang triển khai ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã khẳng định được tính hiệu quả từ mô hình hợp tác giữa ba nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông.


Dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam đã được các cán bộ của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam thực hiện tại huyện Đồng Văn, Hà Giang từ năm 2011. Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai, dự án áp dụng công nghệ bơm PAT đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cung cấp nước bền vững và lâu dài cho người dân vùng cao nguyên đá. Công nghệ bơm PAT có đặc tính bơm kết hợp với tuabin, không dùng điện. Với công nghệ này, nguồn nước tận dụng lại từ thủy điện nhỏ Séo Hồ ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn được đưa vào bể lọc. Tiếp đó, nhờ hệ thống bơm áp lực lớn, nước sẽ được đẩy lên bể chứa trên đỉnh núi, rồi đưa về hệ thống ống dẫn xuống các bản làng.

Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất giống cây ưu thế của tỉnh Hà Giang.


Anh Trần Diệp Anh, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, với lưu lượng nhỏ nhất là 25 mét khối/giây, hệ thống này vẫn có thể chạy hoàn toàn tự động dựa vào sức nước mà không dùng nguồn năng lượng nào khác. Tuy nhiên, do công trình được thực hiện trên những sườn núi, xa khu dân cư, giao thông không thuận tiện, nên để có thể lắp đặt chính xác, đúng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế tối đa nguyên liệu và nhân lực thi công, đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư thi công đã phải tính toán kỹ lưỡng với rất nhiều phương án được đưa ra.

Ông Dương Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định, hiện nay tuyến đường ống đã hoàn thiện. Hệ thống bể nước đang được xây dựng. Khi hoàn thiện, chắc chắn công trình sẽ đáp ứng được nhu cầu của bà con nhân dân. Nguồn nước này so với các nguồn nước khác sẽ sạch hơn bởi có hệ thống lọc.

Một kết quả khác của sự hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hiện đang được các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ xây dựng. Với mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia, Công viên địa chất này đã được thiết kế với đầy đủ không gian trưng bày, thu thập các mẫu vật về cổ sinh, địa chất, các loài động, thực vật. Sau hai năm triển khai, đã có khoảng 2.000 mẫu vật về địa chất, cổ sinh, động vật, thực vật và côn trùng được sưu tập, góp phần giới thiệu thiên nhiên Hà Giang tới du khách.

Tăng giá trị cho sản phẩm địa phương

Bên cạnh các dự án khoa học lớn, việc triển khai các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tới cơ sở, nhằm phát triển kinh tế cho người dân tại vùng di sản thiên nhiên này cũng được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng.

Cánh đồng trồng cây đương quy có xuất xứ từ Nhật Bản với diện tích 25ha, nằm ngay cửa ngõ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, do anh Vàng Thìn Nghì, tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang làm chủ. Anh cũng là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phát triển cây dược liệu bản địa của xã, cũng từng làm công nhân tại đây vào thời điểm năm 1995, khi cây đương quy được đưa về Việt Nam và chuyển lên trồng ở Hà Giang. Sau những cuộc tự thử nghiệm âm thầm kéo dài gần 20 năm với thất bại nhiều hơn thành công, cuối cùng anh Vàng Thìn Nghì cũng đúc rút ra quy trình trồng cây đương quy Nhật phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng quê mình. Giờ đây, cánh đồng dược liệu rộng lớn do anh làm chủ đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong việc ứng dụng khoa học để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người lao động, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng. Dự án này tạo công việc ổn định cho trên 60 nhân công, vào thời điểm mùa vụ thì lực lượng lao động lên đến trên 300 người với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng của cây dược liệu địa phương và khép kín quy trình sản xuất cũng giúp Vườn ươm giống cây dược liệu Công ty TNHH Bình Minh 3 gặt hái được thành công. Đó là các giải pháp khoa học trong tưới tiêu, ươm giống, nhân giống, lai tạo giống phù hợp với thổ nhưỡng khắc nghiệt vùng cao nguyên đá. Theo cán bộ kỹ thuật Lê Thị Bích của Công ty TNHH Bình Minh 3, các giải pháp này đã giúp việc chăm sóc cây thuận lợi hơn, chất lượng giống cây được bảo đảm. Việc trồng theo quy trình khoa học cũng giúp đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Ông Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, hiện nay, sau thành công của mô hình hợp tác giữa nhà khoa học với tỉnh Hà Giang, nhiều địa phương có xu hướng đặt hàng các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, ứng dụng nhằm đưa nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng là cần nghiên cứu kỹ để xác định đúng những nhiệm vụ mà khi ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ sẽ tạo nên giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm của địa phương.

Mai Hà