Ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt
Sách - Ngày đăng : 17:17, 11/09/2018
Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội.
Bày tỏ vui mừng được quay trở lại Việt Nam lần này, Giáo sư Klaus Schwab, tác giả cuốn sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" cho biết, việc xuất bản cuốn sách với phiên bản tiếng Việt đúng vào dịp Hội nghị WEF ASEAN 2018 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).
Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (bên phải) trao sách tặng Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Cuốn sách cũng giúp hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng này; đồng thời đảm bảo các nền kinh tế đưa ra những chính sách, giúp doanh nhân nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại...
Cuốn sách hiện đã được dịch sang 29 ngôn ngữ, xuất bản tại nhiều quốc gia với số lượng phát hành trên 1 triệu cuốn.
Dành tặng cuốn sách cho người dân Việt Nam, Giáo sư Klaus Schwab hy vọng đây sẽ là chất xúc tác, động lực, biến Việt Nam trở thành một nhân tố mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ về nội dung cuốn sách và Cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, không thể xem nhẹ các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các mô hình kinh doanh, các nền kinh tế xã hội ở các khu vực trên thế giới.
Nêu điểm khác biệt của Cách mạng công nghiệp 4.0 với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 không đơn thuần chỉ nắm giữ một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như: robot, trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái, y học hiện đại... Bên cạnh đó, sự khác biệt của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự toàn diện và tốc độ.
Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ khi ông mới viết cuốn sách này, công nghệ Blockchain còn rất non trẻ, trí tuệ nhân tạo mới ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên hiện nay tất cả những công nghệ này đã được ứng dụng trong thực tế. Do đó, quốc gia nào bỏ lỡ "chuyến tàu" Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thất bại.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người trực tiếp chỉ đạo công tác dịch thuật sang ngôn ngữ Việt của cuốn sách này, bày tỏ cảm ơn Giáo sư Klaus Schwab và WEF đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nắm bắt các cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời cảm ơn WEF đã cho phép Việt Nam dịch, xuất bản cuốn sách "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" phiên bản tiếng Việt.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi ngành công nghiệp mạnh mẽ, tác động tới mọi khía cạnh cuộc sống và mọi quốc gia.
Trong cuốn sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Giáo sư Klaus Schwab đã mô tả cách công nghệ thay đổi cuộc sống, phương thức làm việc và tương tác, cho thấy cuộc cách mạng này khác trong quá khứ về quy mô, tốc độ.
Cuốn sách đã nêu tổng quan về những đại xu thế trước mắt, phân tích những thay đổi để đảm bảo những lợi ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuốn sách là nguồn tham khảo giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đánh giá về sự chuẩn bị của Việt Nam cho WEF ASEAN 2018, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh, sự hợp tác tuyệt vời và hiệu quả giữa WEF và Việt Nam cho sự kiện với hơn 1.000 khách mời tham dự, là hội nghị lớn nhất của WEF từng có ở các nước ASEAN, qua đó cho thấy rõ tiềm năng của Việt Nam.
Giáo sư Klaus Schwab nhận thức được sức mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra cơ hội thành công, tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân.
Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi, vì vậy, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng không nên bi quan mà cần lạc quan bởi các công việc mới sẽ được tạo ra. Các Chính phủ cần hoạch định ra chính sách để chủ động trước những thách thức, chuẩn bị cho một thời gian chuyển đổi, thay đổi, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để sản xuất, tiêu dùng và giải trí.
Cũng theo Giáo sư Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp 4.0 là một quá trình lâu dài, không thể thấy kết quả ngay trong ngắn hạn và gắn liền với nhu cầu giáo dục để đảm bảo con người, đặc biệt là giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ.