Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
Đời sống - Ngày đăng : 15:31, 11/09/2018
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, trong những năm vừa qua, cùng với sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Qua đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp cải cách nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Tại TP Hồ Chí Minh, tính bình quân, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận tại các cơ quan, đơn vị các cấp là 14 triệu hồ sơ/năm. Nhờ cải cách, thành phố đã kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn xuống còn dưới 2% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận (bình quân tỷ lệ đúng hạn từ 98% đến 99%).
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 132.947 hồ sơ thủ tục hành chính; đã giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9% số hồ sơ, trong đó trước hạn đạt 25,7% số hồ sơ, hồ sơ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,01%. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính thường xuyên đạt trên 99%...
Tham luận về “Giải pháp, kinh nghiệm đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính tại TP Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017, TP Hà Nội xếp thứ 2 toàn quốc. Để có được kết quả này, chính quyền từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn của Hà Nội luôn chỉ đạo thống nhất, quyết liệt trong cải cách hành chính, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính.
Thành phố Hà Nội xác định, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, hành động và phục vụ nhân dân. Thành phố luôn quan tâm, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Tính đến ngày 7-9-2018, thành phố hiện có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong 1.883 thủ tục hành chính (trong đó có 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Nhiều thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.
Đến nay, TP Hà Nội đã hình thành Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của thành phố đến hết năm 2018 đạt 55% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Lấy người dân làm đối tượng phục vụ
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ban hành với nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” thể hiện sự đổi mới trong quan điểm quản lý.
Nghị định đã hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và xây dựng Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung, thống nhất cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin này với nhau và với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành…
Để đưa những quy định này vào cuộc sống, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, hiện thực hóa quan điểm Chính phủ phục vụ, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo các nhiệm vụ được giao; khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ phận một cửa, bố trí trụ sở, trang thiết bị bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, cán bộ, công chức bộ phận một cửa phải bảo đảm trình độ chuyên môn, tiến tới thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành địa phương mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để xảy ra chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết thủ tục hành chính. “Nếu như cán bộ công chức không có ý thức lấy người dân làm đối tượng phục vụ, cán bộ công chức là công bộc của dân thì sẽ sinh ra quan liêu” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thuận tiện và dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…