Hội vững mạnh, là nòng cốt xây dựng nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 11/09/2018
Cán bộ Hội Nông dân thành phố thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại huyện Gia Lâm. |
- Nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức, điều hành của Hội được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Xác định công tác tổ chức rất quan trọng, bởi cán bộ giỏi, tổ chức Hội vững mạnh mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay, Ban Chấp hành Hội đã xây dựng và ban hành Chương trình “Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh giai đoạn 2014-2018”. Ngoài ra, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố nhiệm kỳ 2013-2018 còn triển khai 4 chương trình công tác toàn khóa khác cũng đạt hiệu quả rất cao như: Chương trình Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vận động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2018; Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, tích cực xây dựng nông thôn mới; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; Nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đồng thời, xây dựng, triển khai các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Hà Nội; Nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở và các Chi hội Hội Nông dân thành phố; Xây dựng mô hình tổ, hội nghề nghiệp... Hội Nông dân các cấp đã chú trọng, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, của thành phố trong giai đoạn mới. Hoạt động của các cấp Hội đã đi vào nền nếp, chất lượng hội viên được nâng lên. Các cấp Hội đã có nhiều sáng tạo và giải pháp thiết thực trong quá trình tổ chức thực hiện, được nông dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Hội...
- Công tác hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân khá quan trọng, vấn đề này được Hội thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và tổ chức tạo vốn cho nông dân vay đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân được xây dựng và củng cố ở 3 cấp, đạt 513,723 tỷ đồng. Cùng với Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tín chấp và ủy thác cho hội viên vay, đạt hơn 2.700 tỷ đồng với 25.420 hộ vay vốn (tăng 300% so với năm 2013). Ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức hơn 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản cho hơn 1,4 triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 1.854 lớp dạy nghề, nhân cấy nghề, truyền nghề cho 63.630 nông dân; tổ chức 89 lớp tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu...
- Xin ông cho biết kết quả của Phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới?
- Các cấp Hội đã vận động nông dân hiến hơn 273.000m2 đất; hơn 2,1 triệu ngày công; hơn 5.506 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn... góp sức cùng thành phố xây dựng thành công 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 76,2%); 4 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu trong xây dựng tổ chức Hội, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội; tạo các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp giá trị cao, tăng việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Ghi nhận thành tựu đó, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ Thi đua xuất sắc nhiệm kỳ 2013-2018...
- Nhiệm vụ, mục tiêu của Hội trong nhiệm kỳ mới là gì, thưa ông?
- Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân TP Hà Nội tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Các cấp Hội từ thành phố tới cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Hội Nông dân thành phố, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp... bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể trong xây dựng tổ chức Hội, trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội; tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết dân tộc...
Một số mục tiêu cụ thể là: Tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nghị quyết của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố; nghị quyết, chương trình công tác Hội; vận động 60-65% hộ hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi; tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân 5%/năm...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!