Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động: Nhiều giải pháp “mạnh”

Đời sống - Ngày đăng : 06:39, 12/09/2018

(HNM) - Thời gian gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tục cảnh báo về tình trạng vi phạm, lợi dụng, lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động, nhiều giải pháp “mạnh tay” tiếp tục được các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ.


Những hồi chuông cảnh báo

Tháng 11-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố danh sách 46 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép do mắc nhiều sai phạm. Tháng 5-2018, 107 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của 12 tỉnh, thành phố bị đưa vào danh sách xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, 49 địa phương phải dừng ngay do còn nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. “Năm 2017, tôi đã học tiếng và chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để thi tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Kế hoạch của tôi và nhiều người khác không thể thực hiện trong năm 2018 do nơi tôi cư trú có tên trong danh sách “đen” - anh Nguyễn Văn M., xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) phản ánh.

Nâng cao chất lượng quản lý sẽ giúp đưa được nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Thực tế trên là hồi chuông cảnh báo nhưng vi phạm chưa dừng lại. Vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện Công ty cổ phần Phát triển giáo dục và đầu tư quốc tế (HTQT), đăng ký hoạt động tại địa chỉ 78A2, Khu đô thị Đại Kim, phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Công ty Xuất khẩu lao động Minh Tâm có chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh vi phạm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số quy định khác. Công ty cổ phần Xây dựng nhân lực Gia Vi có địa chỉ tại nhiều địa phương bị xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng do không trực tiếp tuyển chọn lao động, không thực hiện đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài...

Để giúp người lao động tránh bẫy lừa đảo, nhất là ở những thị trường hấp dẫn, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) liên tục cảnh báo người có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, không nên tin những lời hứa hẹn tác động đến kết quả thi hoặc lựa chọn ngành, nghề theo yêu cầu... Đơn vị khác của Bộ LĐ-TB&XH là Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nhiều thị trường.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Xuất khẩu lao động được xác định là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế nêu trên cho thấy, hoạt động này cần tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm xử lý vi phạm bằng những biện pháp mạnh tay hơn.

Không dừng lại ở việc “giới nghiêm” tuyển dụng ở những địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp, tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kéo dài thời gian ký quỹ thêm 2 năm. Quy định này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động, giảm tình trạng bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp. Đối với thị trường Nhật Bản, trong những buổi làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đề nghị phía Nhật Bản tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân môi giới việc làm sử dụng lao động bất hợp pháp.

Để có hành lang pháp lý đủ mạnh, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được lấy ý kiến để hoàn thiện. Dự thảo đề xuất mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng đối với đơn vị vi phạm, kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung. Người lao động ở lại nước ngoài trái phép, bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng không phải do bị cưỡng bức lao động, không đến nơi làm việc theo hợp đồng… có thể bị phạt đến 100 triệu đồng, buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2 đến 5 năm. Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Từ nay đến cuối năm, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hồ sơ xây dựng luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được trình các cơ quan chức năng xem xét.

Việt Nam là nguồn cung hấp dẫn, đối tác tiềm năng của nhiều quốc gia trong hoạt động xuất khẩu lao động. Với những định hướng giải pháp tác động đến cả người lao động và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động, hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm khắc phục được những vi phạm lâu nay.

Những năm gần đây, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 100.000 người/năm. Năm 2018, Việt Nam dự kiến đưa hơn 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến ngày 31-8, cả nước có hơn 86.000 người ra nước ngoài làm việc. Những thị trường hấp dẫn lao động Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) - hiện có hơn 200.000 lao động đang làm việc, Nhật Bản - hiện có hơn 126.000 lao động, Hàn Quốc - hiện có gần 40.000 lao động...

Minh Ngọc