Dịch tả lợn châu Phi: Khẩn trương ngăn chặn từ xa

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 13/09/2018

(HNM) - Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc. Tại Việt Nam, dù chưa phát hiện dịch bệnh này, nhưng các ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng ngừa, tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ xa.

Tăng cường phòng, chống dịch để chất lượng thịt lợn khi đến với người tiêu dùng luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Sơn Hà


Nguy cơ lây nhiễm cao

Thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi - ASF (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 500.000 con. Đáng lo ngại là dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Theo OIE và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8-2018 đến ngày 9-9-2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Theo Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây nhiễm cao, khó kiểm soát, bởi vi rút tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi. Dịch bệnh lây lan do có yếu tố con người tác động như vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ nơi này đến nơi khác. Bệnh này có khả năng gây chết với tỷ lệ 100% khi đàn lợn mắc bệnh, vì hiện chưa có thuốc và vắc xin điều trị.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi, các cấp, ngành đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó. Tại Hà Nội, địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, Chi cục Thú y đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện nhanh chóng trường hợp dịch bệnh xuất hiện. Nếu đó là dịch tả lợn châu Phi, phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp như khoanh vùng, tiêu hủy lợn bệnh, tổng vệ sinh sát trùng tiêu độc, ngăn chặn vận chuyển để tránh lây lan, tổ chức tiêm phòng các bệnh khác; phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường kiểm soát chặt quản lý ở khâu lưu thông sản phẩm lợn từ các tỉnh về Hà Nội...

Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi, hợp tác xã trên địa bàn thành phố đang gấp rút thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn. Đơn cử, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã in tờ rơi phát cho các trang trại. Doanh nghiệp này cũng yêu cầu các trang trại thực hiện nghiêm các biện pháp như: Chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín để kiểm soát vật mang trùng; thiết lập hàng rào bao quanh và cổng để hạn chế người, động vật khác tự do ra vào trang trại chăn nuôi; không mang thịt lợn, thực phẩm có chứa thịt lợn vào trang trại chăn nuôi lợn…

Tương tự, nhiều địa phương trong cả nước đang chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn từ xa dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 2,34 triệu con lợn, ngay khi nhận được thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều nước, Chi cục đã thông tin nhanh chóng về sự nguy hiểm và diễn biến của dịch bệnh để nông dân các địa phương chủ động phòng ngừa từ xa.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến nay, các địa phương và đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Cục Thú y đã phối hợp với OIE thông tin về dịch bệnh và triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Cục cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao. Đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh, qua đó chủ động hợp tác và có biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn chăn nuôi trong nước.

Phòng bệnh là chính

Phun thuốc phòng dịch tại các trang trại chăn nuôi sẽ bảo đảm an toàn cho đàn lợn. Ảnh: Sơn Hà


Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) cho biết, sau thời gian dài người chăn nuôi lợn lỗ nặng, nay mới bắt đầu phục hồi, nếu như các trang trại không cẩn trọng trong khâu tuyển chọn con giống, chăm sóc đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh… thì thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề. Vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi phải làm chặt chẽ từ khu vực đường biên giới để bảo toàn ngành chăn nuôi lợn trong nước.

Trước lo ngại của người chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, thời điểm này, doanh nghiệp và người chăn nuôi lợn cần bình tĩnh, chủ động phòng ngừa từ xa, chăm sóc tốt đàn lợn để tăng sức đề kháng, tiêm phòng bệnh đầy đủ; đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi cần hạn chế khách tham quan. Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Vì vậy, giải pháp phòng bệnh vẫn là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan. Các biện pháp như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã, đang áp dụng thành công, do đó các địa phương cần chú trọng đến vấn đề này. Ngoài ra, thức ăn thừa của hành khách trên các chuyến bay cũng phải được tiêu hủy, không dùng để chăn nuôi vì đây đã từng là nguồn lây nhiễm dịch tại Brazil những năm trước đây.

Cũng để chủ động ứng phó dịch bệnh, chiều 11-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15-9 đến 15-10-2018...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam"; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là những nơi giáp biên giới, các địa phương có tổng đàn lợn số lượng lớn, nơi có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khuyến cáo các bộ, ngành liên quan nên xem xét ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ những nước đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó có thể xem xét, tạm ngừng các hoạt động tạm nhập tái xuất các sản phẩm thịt lợn, vì đây là nguy cơ đem dịch bệnh về Việt Nam.

Sơn Tùng