Vì sao không sử dụng hết công năng?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 13/09/2018
Chợ chính đìu hiu
Chợ thương mại Cầu Bươu do Công ty cổ phần Xây dựng Hà Khánh đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh, khai thác với tổng kinh phí đầu tư 126 tỷ đồng (100% vốn doanh nghiệp). Chợ được xây dựng từ năm 2008 trên tổng diện tích 21.304m², đi vào hoạt động từ tháng 12-2016. Chợ gồm 205 ki ốt, 234 sạp hàng với tổng số 25 ngành hàng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân địa phương, các vùng lân cận.
Cảnh đìu hiu tại chợ thương mại Cầu Bươu. |
Mặc dù chợ đã được xây dựng khang trang, nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng hết tiềm năng do chỉ thu hút được một số tiểu thương hoạt động. Ghi nhận thực tế của phóng viên tại đây cho thấy, hiện chỉ có vài gian hàng bán quần áo, sửa chữa điện thoại, buôn bán nhỏ lẻ… trong tổng số hàng trăm gian hàng đi vào hoạt động.
Các gian hàng kinh doanh ngoài trời mới chỉ khai thác được một phần diện tích rất nhỏ là những quầy hàng bán hoa quả, rau, thịt, cá. Số diện tích còn lại được Ban Quản lý chợ tận dụng làm bãi đỗ xe khách, xe tải đường dài, xe con cho cư dân trong Khu đô thị Đại Thanh.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, tiểu thương kinh doanh tại chợ thương mại Cầu Bươu cho hay: “Việc xây dựng chợ còn bất hợp lý, nằm cách xa khu dân cư, trong khi người dân có tâm lý ngại di chuyển xa nên chợ rất vắng, khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn”.
Còn tiểu thương Trần Thị Vân tâm sự: Cũng do giá thuê quá cao nên nhiều tiểu thương không đồng ý vào chợ để buôn bán. Hiện, giá cho thuê các ki ốt từ 6 đến 7,5 triệu đồng/tháng (chưa kể chi phí an ninh, vệ sinh môi trường, điện nước...). Vì thế, tiểu thương có nhu cầu chỉ ký hợp đồng hoạt động theo từng năm.
Trái ngược với cảnh đìu hiu trong chợ thương mại Cầu Bươu, tình trạng "chợ cóc" nằm trên trục đường liên xã Tả Thanh Oai cách chợ chính khoảng 200m và nhiều chợ tạm nằm trong Khu đô thị Đại Thanh họp trái phép, tùy tiện. Với những điểm buôn bán này, tiểu thương không mất tiền thuê ki ốt, các khoản phí cũng ít hơn khiến nhiều người không mấy mặn mà vào buôn bán trong chợ chính. Chưa kể, với thói quen tùy tiện dừng, đỗ xe mua bán hàng hóa tại "chợ cóc", chợ tạm ven đường của người dân cũng là lý do không nhỏ khiến chợ chính không có người họp.
Nỗ lực tìm giải pháp
Ông Nguyễn Huy Toàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, chợ thương mại Cầu Bươu là quy mô chợ cấp vùng nên đầu tư xây dựng theo quy hoạch của TP Hà Nội. Vị trí chọn xây dựng chợ được tính toán nằm gần đường Phan Trọng Tuệ, có mật độ giao thông lớn nhưng do đường này chưa được mở rộng theo quy hoạch nên cũng phần nào gây ảnh hưởng đến tâm lý người kinh doanh. Để thu hút các hộ tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán trong chợ, UBND huyện Thanh Trì phối hợp với Công ty cổ phần Xây dựng Hà Khánh đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức.
Cùng với đó, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo UBND xã Tả Thanh Oai tăng cường giải tỏa "chợ cóc" trên địa bàn. Đặc biệt, tại các khu vực trọng điểm như Khu đô thị Đại Thanh, dọc đường liên xã Tả Thanh Oai tuyệt đối không để các điểm "chợ cóc" mới phát sinh. Đồng thời, tiếp tục xử lý nghiêm các hộ kinh doanh cố tình họp chợ không đúng nơi quy định, vi phạm trật tự an toàn giao thông và tạo điều kiện tối đa cho các hộ vào kinh doanh trong chợ thương mại Cầu Bươu”.
Ngoài các giải pháp của huyện Thanh Trì, Công ty cổ phần Xây dựng Hà Khánh cũng có các chính sách ưu đãi như miễn giảm phí dịch vụ tại chợ từ 3 đến 6 tháng nhằm vận động các hộ kinh doanh vào chợ. Vậy nhưng đến nay, chợ thương mại Cầu Bươu vẫn trong cảnh "đìu hiu", không mấy được cải thiện.
Chợ chính thì lay lắt, trong khi "chợ cóc", chợ tạm vẫn bủa vây quanh khu vực chợ chính cho thấy sự lãng phí quá lớn về nguồn vốn đầu tư. Thực tế này là bài học để cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần làm tốt hơn công tác quy hoạch. Đồng thời, việc cấp phép xây dựng chợ cũng cần nghiên cứu, thẩm định kỹ hơn về nhu cầu tiêu dùng thực tế của cư dân từng khu vực để đầu tư có hiệu quả hơn.