Xưởng sản xuất đầu lân “chạy đua với thời gian” trong dịp Tết Trung thu

Xã hội - Ngày đăng : 10:02, 14/09/2018

(HNMO) - Những ngày đầu tháng Tám âm lịch, gia đình anh Bùi Viết Tưởng, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại tất bật sản xuất đầu lân để kịp cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Trung thu.


Anh Bùi Viết Tưởng, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bắt đầu theo nghề làm đầu lân từ năm 2008.


Hơn 10 năm theo nghề, thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả, nên anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển nghề.


Anh Bùi Viết Tưởng cho biết: “Công việc làm đầu lân thường dồn vào đầu tháng Tám âm lịch, bởi khách hàng đặt nhiều và yêu cầu lấy hàng trước đêm rằm. Những ngày này, gia đình tôi phải làm cả đêm mới kịp trả hàng cho khách”.


Theo anh Tưởng, do nghề sản xuất đầu lân chỉ làm được thời vụ, lãi suất không cao nên cả xã Quảng Bị có mỗi gia đình anh theo nghề.


Để sản xuất đầu lân phải trải qua các công đoạn như: Làm khung, cắt vải, may, gắn vải, vẽ mắt… nên tốn nhiều nhân công.


Công đoạn khó nhất là vẽ mắt, bởi mắt là hồn của lân nên người vẽ phải có chút năng khiếu mới thổi hồn được cho lân.


Trung bình, mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình anh bán được hơn 100 đầu lân.


Giá mỗi đầu lân dao động từ 3 đến 6 triệu đồng tùy theo kích thước, chất liệu sử dụng làm đầu.


Anh Dương Trọng Quyết, công nhân trong xưởng sản xuất đầu lân cho hay: “Tôi theo nghề này được gần 4 năm. Mặc dù nghề vất vả, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo bởi niềm đam mê”.


Theo anh Quyết, muốn theo nghề làm đầu lân, học viên phải kiên trì, bởi nghề có nhiều công đoạn phức tạp.


Lân là một trong tứ linh mang lại điều may mắn, sự sung túc, hạnh phúc cho các gia đình.


Màn múa lân trong đêm rằm Trung thu tạo cho trẻ em không khí Tết cổ truyền, một sân chơi lành mạnh và những tiếng cười…

Quang Thái