Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 14/09/2018

(HNM) - Tuần qua, dư luận xôn xao, lo ngại trước sự cố 45.000m3 bùn thải Gyps của Công ty cổ phần DAP 2 tại tỉnh Lào Cai tràn ra môi trường, ảnh hưởng tới hàng chục hộ dân sống trong khu vực xung quanh.


Hiện các cơ quan chức năng đang đánh giá tình hình và chính quyền địa phương cũng ráo riết tiến hành các hoạt động cứu trợ, khắc phục sự cố. Câu chuyện trên đặt ra vấn đề an toàn, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như việc khắc phục ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lâu dài sẽ được giải quyết thế nào?

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bùn thải Gyps có mức độ nguy hại khá cao, do có nồng độ a xít lớn; gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, đất và sinh vật tại khu vực. Trong khi đó, sự cố đang gây ảnh hưởng, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trên thực tế, trước đó cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần khuyến cáo về nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra đối với hồ chứa bùn thải Gyps của Công ty cổ phần DAP 2 tại đây. Đặc biệt, với các chất thải nguy hại như Gyps, hồ chứa cần phải được xây dựng rất kiên cố, chịu được những tác động của mưa lũ, động đất. Trong khi đó, đã có một số sự cố tương tự diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên, đe dọa cuộc sống của người dân. Có lẽ, hiện giờ nhiều người đành phải tự “động viên” rằng tất cả các khu chứa chất thải, bể chứa hóa chất khắp nơi trên toàn quốc đều đang an toàn vì... chưa vỡ.

Câu chuyện này cũng là dịp để nhắc lại rằng, yêu cầu kiểm tra, giữ an toàn cho các hồ, đập, kho chứa, bãi thải từ các công trình sản xuất công nghiệp là sự bắt buộc và liên tục. Chỉ cần chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác là dẫn đến những sự cố khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh điêu đứng, khổ sở.

Do vậy, rất cần trách nhiệm, ý thức vì cộng đồng của các đơn vị sản xuất cũng như những nhà quản lý để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!

Kính Lúp