Phải cùng nghiêm khắc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 15/09/2018

(HNM) - Câu chuyện học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã được đề cập rất nhiều, đặc biệt


Vấn đề đáng bàn nhất hiện nay đó là ý thức, nhận thức của học sinh, phụ huynh trong việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông còn hạn chế, chưa bền vững. Phần nhiều học sinh chỉ chấp hành một cách đối phó vào những đợt nhà trường nhắc nhở, giám sát chặt chẽ, lực lượng chức năng ra quân chấn chỉnh...

Đáng nói hơn là, hầu hết các bậc phụ huynh không hài lòng khi con đi học muộn, bị điểm kém, nhưng hiếm người uốn nắn con kịp thời khi bị nhắc nhở, phê bình vì không tuân thủ quy định an toàn giao thông. Thậm chí, không ít phụ huynh nêu gương xấu, chạy xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, chở ba, "vô tư" vượt đèn đỏ... Cá biệt có người, khi thấy con bị công an bắt lỗi, hoặc bị nhà trường “làm găng”... còn tìm cách xin cho con thoát lỗi. Đây là những điều không nên làm và cần rút kinh nghiệm vì phụ huynh luôn phải là tấm gương cho con noi theo.

Việc xử lý học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông của lực lượng chức năng cũng chưa nghiêm khắc. Có nhiều lý do cho sự "nương tay" này, nhưng rõ ràng nếu để kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng học sinh "nhờn luật", khó uốn nắn cho cả gia đình và nhà trường.

Điều cốt lõi nhất hiện nay là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là phải cùng nghiêm khắc. Cụ thể, việc thực hiện các quy chế phối hợp, quy định, cam kết của ngành chức năng, gia đình, địa phương phải thực chất, không kêu gọi suông hoặc chỉ trên... giấy.

Đặc biệt, gia đình phải là nơi để các em được trang bị những "điều hay lẽ phải" khi tham gia giao thông. Phụ huynh vừa là tấm gương, vừa là người chỉ bảo, hướng dẫn gần gũi nhất để con phải làm thế nào cho đúng, cho an toàn mỗi khi lưu thông trên đường.

Nhà trường, nơi học sinh học tập, rèn luyện hằng ngày cũng phải là nơi các em được giáo dục, tiếp nhận thường xuyên những thông tin, kiến thức về an toàn giao thông một cách dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp lứa tuổi. Cùng với đó, nhà trường cần áp dụng những biện pháp quản lý, xử lý học sinh vi phạm một cách nghiêm khắc.

Ngoài ra, giữa phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn. Cụ thể, ở các buổi họp phụ huynh, cần có nhiều nội dung trao đổi về vấn đề an toàn giao thông cho học sinh; phân công giáo viên liên lạc với phụ huynh khi học sinh vi phạm để tìm phương pháp hiệu quả giáo dục ý thức cho các em.

Đối với các ngành chức năng, nhất là lực lượng công an cần xử lý nghiêm các lỗi vi phạm học sinh hay mắc phải, như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, đi hàng ngang, lạng lách...; phải tránh tình trạng xử lý vi phạm không thống nhất - nơi chặt, nơi lỏng; đồng thời gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường để kịp thời có biện pháp giáo dục, răn đe. Mặt khác, tích cực phối hợp với nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Một xã hội có văn hóa chấp hành quy định an toàn giao thông hay không phần lớn phụ thuộc vào sự giáo dục từ tấm bé. Vì thế, hơn hết mỗi học sinh, mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự nghiêm khắc với chính mình trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Chí Kiên