Làm gì và bắt đầu từ đâu?

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:49, 17/09/2018

(HNM) - Các nhà khoa học Australia vừa đưa ra cảnh báo về một loại siêu vi khuẩn kháng mọi loại kháng sinh với tên khoa học là Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da). Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới...

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.


Chi phí điều trị gấp 50-100 lần

Về cảnh báo mà các nhà khoa học Australia đưa ra, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, ở Việt Nam, số chủng vi khuẩn kháng kháng sinh (hoặc đa kháng sinh) cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Ngay cả tụ cầu kháng thuốc, gồm cả tụ cầu vàng (Staphylococcus areus) và tụ cầu da (Staphylococcus epidermidis) đều gặp nhiều ở nước ta.

Mới đây, một bệnh nhi 10 tháng tuổi ở tỉnh An Giang bị ho, sốt cao, được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh để cấp cứu. Kết quả nuôi cấy dịch màng phổi, xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn Gram âm hiếu khí và đường ruột đa kháng có tên khoa học là Acinetobacter baumanii và Klebsiella pneumonia. Đây là những loại siêu vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, do đó, việc điều trị là hết sức khó khăn…

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từng tiếp nhận bệnh nhân 20 tuổi (tỉnh Hà Nam) bị uốn ván. Với bệnh này, chi phí điều trị thường chỉ mất 12-15 triệu đồng. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị kháng tất cả các loại kháng sinh thông thường nên các bác sĩ đã phải dùng kháng sinh thế hệ mới với liều cao. Dù bệnh nhân được cứu sống nhưng chi phí điều trị lên đến gần 100 triệu đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, với các ca biến chứng nhiễm trùng máu mà bệnh nhân kháng kháng sinh thì chi phí điều trị có thể lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí có khi mất cả tỷ đồng nhưng chưa chắc đã giữ được mạng sống.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm nước ta có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, bệnh nhân lao kháng đa thuốc thì phải điều trị mất 9 tháng (trước đây là 2 năm), tiêu tốn khoảng 90 triệu đồng. Đó là chưa kể tổn thất do phải nghỉ việc để chữa bệnh, chi phí đi khám chữa bệnh, làm xét nghiệm…

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Thời tiết mưa nhiều hoặc chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, nhất là ở trẻ nhỏ. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh khi thấy con ho, sốt, chảy nước mũi… là tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho trẻ uống. Việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ em là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Tình trạng kháng thuốc làm kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.


Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, khi thực hiện nghiên cứu sàng lọc bệnh nhi nhập viện, các bác sĩ phát hiện 30% số trẻ có vi khuẩn kháng thuốc. “Nhiều bé được người nhà tự ý mua thuốc về cho uống, nhiều khi mua kháng sinh không đúng bệnh, liều dùng không đủ khiến trẻ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra, khi được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên, nhiều bệnh nhi đã bị nhiễm khuẩn, dẫn đến kháng thuốc”, PGS.TS Trần Minh Điển cảnh báo.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những quốc gia phát triển đều có hệ thống labo xét nghiệm định danh vi rút, giúp bác sĩ kê đơn chính xác loại kháng sinh cần sử dụng trong điều trị cho từng bệnh nhân. Còn tại nước ta, nhiều bệnh viện tuyến trên và hầu hết các bệnh viện tuyến quận, huyện trở xuống đều không có labo xét nghiệm, bác sĩ sử dụng kháng sinh trong điều trị cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm.

Do đó, trong thực tế đã có trường hợp bác sĩ chỉ định kháng sinh không cần thiết, hoặc bệnh chỉ cần sử dụng kháng sinh nhẹ thì kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền, vừa tốn kém vừa gây nguy cơ kháng thuốc rất cao.

WHO cảnh báo, nếu không kiểm soát tình trạng lạm dụng kháng sinh, nhiễm khuẩn bệnh viện thì số lượng bệnh nhân tử vong do kháng kháng sinh trên thế giới sẽ tăng từ 700.000 người/năm lên đến hàng chục triệu người vào năm 2050.

Để giải bài toán kháng thuốc, cần bắt đầu với việc tác động nhằm làm thay đổi nhận thức chung về vấn đề này. Mỗi cá nhân cần phải hiểu đúng để sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt việc bán và sử dụng thuốc theo đơn, xử lý nghiêm những cửa hàng, hiệu thuốc làm trái quy định…

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Trong khi các quốc gia phát triển vẫn còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh chiếm tới 17% trong tổng chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân.

Thu Trang