Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 16:56, 17/09/2018
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra.
Cụ thể, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016). Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1- 1,5%/năm...
Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76/2014/NQ13 chưa đạt tiến độ quy định. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm.
Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt…
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, đồng thời, chỉ rõ thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Đó là đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện (thuộc 18 tỉnh) vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên). Nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có chung nhận định như trên. Các đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan tại sao tốc độ giảm nghèo lại không đồng đều? Có hay không tình trạng trục lợi chính sách? Liệu chính sách có đến đúng đối tượng, đúng mục đích đặt ra hay không...?
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Theo Chủ tịch Quốc hội, đến năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về giảm nghèo bền vững và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13.
* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.