Xây dựng Thành phố thông minh cần có hạ tầng và người dân thông minh
Đời sống - Ngày đăng : 13:11, 18/09/2018
Cần đổi mới, cởi mở và cầu thị
Theo ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, muốn xây dựng đô thị Thông minh cần có sự đổi mới, cởi mở và cầu thị. Thụy Điển trong nhiều năm được coi là dẫn đầu thế giới về năng lực đổi mới và sáng tạo.
Tọa đàm Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo. |
"Do thị trường nội địa nhỏ nên Thụy Điển khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu ra thế giới và tạo ra môi trường luôn kích thích, động viên các doanh nghiệp đổi mới. Ví dụ, thương hiệu "Ericson" lúc đầu chỉ gắn với điện thoại, nhưng hiện đã thay đổi lĩnh vực kinh doanh để có thể xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác" - ông Pereric Hogber nêu
Cũng theo Đại sứ Thụy Điển, Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp start-up và đã trở thành "thiên đường khởi nghiệp đẳng cấp thế giới, nơi sản sinh ra các thương hiệu hàng đầu thế giới. Và "bí quyết" để tạo nên môi trường đó cũng như tạo ra các Thành phố thông minh chính là xây dựng các đô thị phát triển bền vững với nỗ lực không chỉ đến từ chính phủ mà toàn xã hội.
"Các công ty của chúng tôi đã và đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không phải bị thúc ép mà họ cảm nhận đó là điều đúng đắn cần phải làm" - ông Pereric Hogber nói.
Ông Pereric Hogber nêu định nghĩa ngắn gọn: "Thành phố thông minh là thành phố biết tận dụng những công nghệ mới và số hóa để đơn giản hóa quy trình, cải thiện đời sống người dân, mang lại môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp".
Then chốt là quy hoạch đô thị
Ông tiếp tục chia sẻ yếu tố quan trọng nhất để xây dựng Thành phố thông minh là quy hoạch đô thị. Hà Nội đã là đô thị thông minh, nếu quy hoạch tốt thì sẽ phát triển mạnh hơn nữa với hệ thống giao thông thông minh, hiệu suất, bền vững cùng giải pháp nhiên liệu.
"Nhiều người trẻ ở Hà Nội thường bày tỏ lo lắng về sự không an toàn khi tham gia giao thông trên đường, cả đường thủy và đường hàng không, về an toàn thực phẩm. Với kinh nghiệm của Thụy Điển, những lo lắng trên có thể giải quyết được nếu xây dựng thành công chính phủ điện tử. Chúng tôi giáo dục trẻ em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường về tầm quan trọng của việc tham gia giữ gìn thành phố sạch", ong Pereric Hogber chia sẻ.
Sự thành công của Thụy Điển cũng nhờ đầu tư lớn về hạ tầng. Thuỵ Điển là nước đi đầu cung cấp dịch vụ băng thông rộng trên thế giới; có giải pháp thanh toán thông minh, trở thành xã hội không dùng tiền mặt. Các cơ quan thuế vụ của Thụy Điển luôn hỗ trợ người dân mua sắm thiết bị hiện đại, trở thành thế hệ công dân thành thạo về công nghệ. Mọi người đều sẽ hưởng lợi từ nền giáo dục thông minh.
"Chúng tôi tập trung vào việc giúp trẻ em, sinh viên đại học có những kiến thức và những kỹ năng mới, họ không ngại đặt ra câu hỏi, mắc sai lầm trong hớp học, chất vấn nhiều vấn đề để qua đó có ý tưởng mới thông minh" - Vị Đại sứ Thụy Điển chia sẻ hàng loạt kinh nghiệm từ quốc gia đã có nửa thế kỷ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.
Cùng quan điểm này, ông Rechard Ker - Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa Công ty Cyberjview (thuộc thành phố Cyberjaya, bang Selangor, Malaysia) cho biết, để xây dựng thành phố Cyberjaya thông minh như hôm nay, Cyberjaya đã “như một phòng thí nghiệm”.
Theo ông Rechard Ker, Cyberjaya được thành lập năm 1996, khi đó vốn là vùng đất từ khu mỏ dầu từ nhiều năm trước, hạ tầng kém phát triển. Dù cách thủ đô Kuala Lumpur không xa nhưng phải mất từ 1h-1h30 mới đến nơi được, các cơ sở hạ tầng khác không phát triển...
Vì vậy, thời điểm năm 1997, Thủ tướng Mahathir bin Mohamad đã muốn thành phố phát triển mạnh về công nghệ thông tin và ý tưởng này đã được triển khai. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động tại thành phố Cyberjaya được hưởng một số quyền lợi, như được giảm thuế trong 10 năm, dễ dàng tuyển nhân công nước ngoài...
Do vậy, hiện Cyberjaya có dân số trẻ với độ tuổi từ 20 đến 49 tuổi chiếm 60%, có 30.000 sinh viên, 30% dân cư sinh sống ở đây là người mới đến. Chỉ sau 10 năm thành lập, Cyberjaya đã thu hút 1,87 tỷ USD đầu tư nước ngoài và hiện có 500 công ty hoạt động, tạo trên 40.000 việc làm và là một trong những thành phố phát triển nhất hiện nay ở Malaysia.
Cần giao thông kết nối
Ông Rechard Ker - Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa Công ty Cyberjview chỉ ra các bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành phố Cyberjaya trở thành Thành phố thông minh. Đó là, trước tiên, để phát triển, phải có hệ thống giao thông kết nối, bảo đảm giao thông thuận tiện trong thành phố.
Khi thành lập thành phố, vốn nằm trên khu mỏ dầu, chỉ có rắn, khỉ sinh sống mà không có gì khác, Chính phủ Malaysia đã ngay lập tức đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối cho thành phố. Nhờ có đường cao tốc kết nối với trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, với sân bay quốc tế và kết nối với đường sắt đô thị nên giao thông di chuyển rất thuận tiện.
Ngoài ra, để phục vụ người dân đi lại, làm việc tại thành phố, chính quyền cũng tạo ra hệ thống dịch vụ giao thông chuyên biệt giúp người dân đặt vé trực tuyến bất kỳ thời gian nào, xe buýt đến đón 7 điểm đưa người dân đến thành phố. Cùng với hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hệ thống xe buýt đưa đón, thời gian đi lại từ thủ đô xuống thành phố chỉ còn 25 phút, thay vì mất 1h hoặc 1h30 như trước đây.
Cũng theo ông Rechard Ker, Cyberjaya cũng được coi là “mảnh đất” của khởi nghiệp. Các start-up đã cung cấp chia sẻ ô tô, theo đó, người dân sử dụng chỉ cần cài ứng dụng, có tài khoản và chọn đến điểm xe gần nhất để thuê, khi đến chỉ cần chạm ứng dụng, ô tô sẽ tự mở cửa xe, chỉ việc bước vào và lái xe đi. Hiện thành phố này có 20 điểm cho thuê xe ô tô như vậy.
Muốn xây dựng Thành phố thông minh phải có có hệ sinh thái công nghệ, theo ông Rechard Ker, việc có hệ sinh thái công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Chính quyền thành phố cung cấp không gian làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, không phải trả chi phí thuê mặt bằng.
Ngoài ra, chính quyền thành phố còn phối hợp với các cơ quan Chính phủ, hình thành không gian làm việc chung (Co-working Space)... mời các nhà đầu tư trong nước và khu vực đến thành phố thuyết trình kế hoạch kinh doanh của họ. Đến nay, Cyberjaya đã giúp đỡ 430 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động. Đó cũng nằm trong ý tưởng phải phát triển được đội ngũ nhân tài, xây dựng trường đại học riêng đào tạo kỹ sư để có thể tuyển dụng sinh viên khi ra trường.
Đừng làm việc một mình
"Tôi cho rằng để xây dựng Thành phố thông minh thì đừng làm việc một mình", ông Rechard Ker chia sẻ, “Chúng tôi tự hào xây dựng được hội đồng đổi mới sáng tạo thành phố gồm nhiều thành viên ở các cơ quan khác nhau, cứ 3 tháng, chúng tôi tổ chức họp một lần để cập nhật thông tin của các công việc đang tiến hành".
Chính quyền thành phố xác định, phải suy nghĩ, làm việc như những công ty khởi nghiệp, nghĩa là khi gặp các vấn đề gì, phải có tư duy như khởi nghệp có thể điều chỉnh, thực hiện công việc. Và đặc biệt luôn phải truyền thông tới công chúng những việc mình đang làm.
Chia sẻ với báo chí về ý tưởng về xây dựng thành phố Thông minh, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố kết nối trong việc xây dựng Thành phố thông minh dựa trên nền tảng thành phố kết nối (Connected City).
Theo đó, không chỉ có các hạ tầng và nền tảng, mà các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cũng cần kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực. "Bởi vì, một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của Thành phố thông minh”, ông Vũ Minh Trí chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của một đại biểu tham dự tọa đàm về nguồn vốn thực hiện thành phố thông minh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội dành nguồn lực từ ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, thành phố sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn. |