Lãi suất huy động tăng có tạo áp lực lên lãi suất cho vay?
Tài chính - Ngày đăng : 16:32, 18/09/2018
“Ông lớn” đồng loạt tăng lãi suất huy động VND
Sau khi nhiều ngân thương mại tư nhân tăng lãi suất huy động VND, các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, chiếm thị phần lớn về tiền gửi như BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank cũng nhập cuộc. Tuy nhiên, mức tăng của các nhà băng này không cao.
Theo biểu lãi suất mới, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tăng 0,2% lãi suất đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 9 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 2 tháng và 2 tháng đến dưới 3 tháng là 4,3%; kỳ hạn 4 tháng đến dưới 5 tháng và 5 tháng đến dưới 6 tháng cùng có mức lãi suất 4,8%/năm; mức lãi suất dành cho kỳ hạn 6 tháng đến dưới 9 tháng cùng là 5,3%. Riêng lãi suất kỳ hạn 9 tháng đến trên 36 tháng vẫn giữ nguyên mức 5,5%-7%/năm.
Lãi suất huy động VND tăng (ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất 4,3%/năm và 4,2%/năm, tăng lần lượt 0,2% và 0,1% so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng cùng tăng 0,2% lên 5,3%/năm và 6,8%/năm. Mức lãi suất 6,8%/năm cũng được áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng, cao hơn trước 0,1%.
Vào gần cuối tháng 8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng lãi suất huy động VND phổ biến 0,2%. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng lên 4,3%/năm; kỳ hạn 5 tháng được hưởng lãi suất 4,6%/năm. Lãi suất cao nhất là 6,9%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Sau khi tăng lãi suất, từ ngày 5-9, ngân hàng này cộng thêm lãi suất 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và cộng 0,1% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng khi gửi tiết kiệm online. Lãi suất cộng thêm được tính so với lãi suất niêm yết của tiền gửi huy động tại các phòng giao dịch. Như vậy, mức lãi suất gửi tiết kiệm online tại ngân hàng này khá cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Trước việc các ngân hàng trên nâng lãi suất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa tăng lãi suất huy động VND ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,2% lên 4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 5,3%/năm, tăng 0,2%. Lãi suất các kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm. Các kỳ hạn 24 tháng đến 60 tháng cùng có mức lãi suất 6,6%/năm, tăng 0,1%.
Áp lực lên lãi suất cho vay
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại như Sacombank, Viet Capital Bank, Techcombank, ACB, VPBank đã tăng lãi suất huy động VND phổ biến 0,1-0,5%/năm. Đáng chú ý, có nhà băng tăng tới hơn 1%, niêm yết mức 8,6%/năm đối với kỳ hạn 24-60 tháng.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động VND được cho là để chuẩn bị nguồn vốn cho vay khi mà thông thường tín dụng gia tăng vào cuối năm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống còn 40% thay vì 45% như trước, kể từ ngày 1-1-2019.
Một nguyên nhân khác, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, ngân hàng tăng lãi suất huy động VND để VND trở nên hấp dẫn hơn, nhằm tránh việc người dân rút tiền đồng đầu cơ USD trong bối cảnh thời gian qua tỷ giá VND/USD tăng đáng kể và từ nay đến cuối năm tỷ giá vẫn còn chịu áp lực.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất huy động tăng trong thời gian qua chưa hoàn toàn trở thành xu hướng nhưng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Lý do là bởi thông thường lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Hiện lãi suất cho vay vẫn tương đối ổn định. “Nhưng không loại trừ khả năng lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới”, vị chuyên gia này dự báo.
Với diễn biến trên, việc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là rất khó. “Từ nay đến cuối năm, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay được coi là sự cố gắng lớn của các tổ chức tín dụng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cùng quan điểm, tại một báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ đầu năm đến nay tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2,7%. Trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động ở mức 2,8-4,7%/năm thì lãi suất tiền gửi USD đang được giữ mức 0%.
Nhằm tạo sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. “Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng”, các chuyên gia của VDSC nhìn nhận.