Đẩy lùi mối họa “tham nhũng vặt”

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:46, 18/09/2018

(HNM) - “Tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn”.

Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại UBND phường Phú La (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt


“Như tổ mối đục khoét chân đê”

Tuy giá trị không lớn nhưng “tham nhũng vặt” có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nó kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho địa phương trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp; làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ…

Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải ví “tham nhũng vặt" tinh vi và như ổ mối ăn mòn chân đê; ổ mối tuy nhỏ, nhưng có thể phá hủy cả con đê ngàn dặm...

Tập trung xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đề ra. Tại phiên họp đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt"), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”.

Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ “tham nhũng vặt”, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp và triển khai bước đầu có hiệu quả. Tại Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định một trong ba khâu đột phá là: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Hà Nội đã thực hiện chủ đề “Năm kỷ cương hành chính 2017”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, đặc biệt là tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để ngăn chặn “tham nhũng vặt”. Những vị trí cao trên bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính, sự cải thiện về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lập kỷ lục về thu hút vốn đầu tư của thành phố vừa qua đã khẳng định hiệu quả bước đầu của công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” ở Hà Nội.

Tuy nhiên, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn đang là mối lo của Thủ đô. Trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Ban Chỉ đạo Chương trình đã chỉ rõ: “Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong cán bộ, công chức một số ngành, lĩnh vực vẫn còn diễn ra gây bức xúc trong xã hội”.

Từ vụ vi phạm của một lao động hợp đồng tại UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) khi giải quyết đăng ký khai tử cho công dân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu: “Lãnh đạo các phường, xã, thị trấn phải thường xuyên tự kiểm điểm xem có còn tình trạng người dân muốn làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không. Nếu còn, phải xử lý thật nghiêm”.

Vừa qua, làm việc với Sở Nội vụ, Bí thư Thành ủy tiếp tục yêu cầu Sở Nội vụ và các cơ quan thành phố: “Phải tăng cường thêm các cuộc kiểm tra công vụ đột xuất. Từng cơ quan, đơn vị cũng phải đánh giá lại xem trong ngành mình có những lĩnh vực nào dễ xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu để ngăn chặn”. Ban Nội chính Thành ủy cũng đã xác định một trong những trọng tâm công tác thời gian tới là ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, tệ “phiền hà, sách nhiễu”.

Tại tọa đàm "Tham nhũng vặt - Thực trạng và giải pháp phòng chống" do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, các đại biểu cũng đã đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”. Trong đó, có các giải pháp căn bản như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ban Nội chính Trung ương) Vũ Thu Hạnh, công khai minh bạch là “khắc tinh” của tham nhũng. Trao đổi với Báo Hànộimới, Tiến sĩ Vũ Văn Tính, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đẩy lùi “tham nhũng vặt” là tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Rõ ràng, không thiếu những giải pháp, nhưng phòng, chống “tham nhũng vặt” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về mối họa lớn này và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi.

Võ Lâm