Thu - chi đầu năm học: Nỗi lo chưa giảm
Giáo dục - Ngày đăng : 06:46, 20/09/2018
Trong thực tế, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác thu - chi nhưng nỗi lo của phụ huynh về các khoản thu dịp đầu năm học 2018-2019 chưa giảm.
Quỹ phụ huynh, mỗi nơi một kiểu
Ngày 16-9, khá nhiều trường học tại Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm học 2018-2019. Ghi nhận chung, các cuộc họp phụ huynh này đã bớt nặng nề, phần quản lý, giáo dục học sinh được chú trọng, việc thu - chi phần nào bớt căng thẳng so với các năm trước.
Các khoản thu vẫn là mối lo với không ít gia đình học sinh dịp đầu năm học. Ảnh: Hữu Tiệp |
Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, phần đóng góp quỹ phụ huynh là nội dung khiến nhiều phụ huynh trăn trở nhất. Một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy thu quỹ phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, mức đóng do phụ huynh quyết định dựa trên tổng kinh phí đề xuất chi cho các hoạt động của học sinh trong một học kỳ. Theo phản ánh, mức đóng thấp nhất của phụ huynh trường này là 600.000 đồng/người/học kỳ, nhiều nhất là 2.000.000 đồng/ người/học kỳ. Còn theo thông tin từ phụ huynh học sinh một trường THPT ở quận Long Biên, mỗi người phải đóng hai loại quỹ phụ huynh, trong đó, quỹ phụ huynh trường ấn định là 80.000 đồng/người/học kỳ, quỹ phụ huynh lớp có mức tối thiểu là 2.000.000 đồng/người/học kỳ.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quy định việc thu và sử dụng quỹ phụ huynh chứ không quy định mức thu. Để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", những năm trước, quận Tây Hồ quy định các trường không thu quá mức trần là 500.000 đồng/ người/học kỳ. Năm nay, việc tổ chức thu quỹ phụ huynh với yêu cầu dựa trên tinh thần tự nguyện, không thu kiểu cào bằng. Trước khi tổ chức thu, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp lập dự toán kế hoạch hoạt động kèm theo kinh phí trong học kỳ và công bố công khai, phụ huynh tùy tâm đóng góp, nếu còn thiếu so với dự toán thì phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động cho phù hợp, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng vận động phụ huynh… buộc phải tự nguyện.
Cấm vận động tài trợ để chi cho giáo viên
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường trực thuộc phổ biến kỹ nội dung Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT. Thông tư này khẳng định việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, hình thức triển khai được khuyến khích là giao cho các nhà tài trợ tự tổ chức việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho nhà trường. Cách làm này phần nào giúp nhà trường tránh được điều tiếng về tiền bạc, chuyên tâm hơn cho nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng "giao kèo", Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định rõ: Nhà trường không được coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục.
Để việc vận động tài trợ được thực hiện đúng mục đích là phục vụ việc học tập của học sinh, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nêu rõ những "lệnh cấm" từ năm học 2018-2019. Theo đó, nhà trường không được vận động tài trợ để chi trả các khoản phục vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên như: Thù lao giảng dạy; công tác an ninh, bảo vệ; vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý...
Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị duy trì việc trực và tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề thu - chi qua đường dây nóng. Theo đó, ngoài số máy đường dây nóng của Sở GD-ĐT, 30 phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã đều đã công khai số đường dây nóng của đơn vị mình, bảo đảm tiếp nhận thông tin và kịp thời xác minh, xử lý.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Năm học 2018-2019, quận Tây Hồ quan tâm đặc biệt tới việc chấn chỉnh công tác thu - chi. Chỉ cần có phản ánh của phụ huynh qua đường dây nóng là nhà trường sẽ bị trừ 30% số điểm xếp hạng; nếu có sai phạm về thu - chi, trường sẽ bị trừ 70% số điểm xếp hạng; nếu có sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì hiệu trưởng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và đương nhiên, nhà trường chắc chắn ở vị trí "đội sổ" trong bảng xếp hạng. Đây là giải pháp để các nhà trường cùng cố gắng xây dựng "thương hiệu", niềm tin trong ngành và trong phụ huynh học sinh.
Quy định đã có. Chỉ có điều, như đã thấy, mối lo của phụ huynh, hiệu quả quản lý công tác thu - chi phụ thuộc vào ý thức triển khai thực hiện của các nhà trường. Cho đến giờ, mối lo đó còn hiện hữu.
- Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ: "Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học...". Như vậy, việc thu hai loại quỹ phụ huynh (quỹ trường và quỹ lớp) là sai quy định. - Số điện thoại đường dây nóng của Sở GD-ĐT Hà Nội: 088.899.6970. Danh mục số điện thoại đường dây nóng của 30 phòng GD-ĐT được công khai tại địa chỉ: www.hanoi.edu.vn. |