Tăng hiệu quả thực thi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 21/09/2018
Nếu như vốn đầu tư công không được sử dụng hiệu quả, không tạo ra giá trị gia tăng thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Việc giải ngân vốn chậm là giảm hiệu quả của dự án đầu tư và gây lãng phí do nguồn vốn bị ứ đọng. Trong khi đó, ngân sách nhà nước phải gánh chịu thêm khoản lãi suất phát sinh. Vì lẽ đó mà Luật Đầu tư công giữ một vai trò quan trọng, như "người gác cổng", là công cụ hữu hiệu để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, tăng cường phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công.
Việc xây dựng luật chặt chẽ, sát thực tế sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.
Vì vậy, phải làm sao thiết kế luật nhắm đến mục tiêu chính là kiểm soát nguồn vốn đầu tư công tốt nhất, thông qua thủ tục, quy trình chặt chẽ hơn. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị, phải tăng cường vai trò “gác cổng” trong giai đoạn lập kế hoạch vốn, với các dự án lớn nếu không tuân thủ hoặc chưa hội tụ đủ điều kiện có thể từ chối đưa dự án vào kế hoạch ngân sách.
Lẽ dĩ nhiên, có quy phạm pháp luật rồi chưa phải đã là xong. Trên thực tế, việc tổ chức thực thi luật một cách nghiêm túc cũng là yếu tố cần thiết không kém. Tại phiên họp sáng 20-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu quan điểm, cái gì vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa. Nhưng tất cả yếu kém “đổ thừa hết do luật là không đúng”. Những điểm mà Chính phủ cho rằng còn “cứng nhắc”, “chưa đầy đủ” như công tác đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, giao vốn nhiều lần… không phải do luật mà phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công chưa nghiêm. Và Chính phủ đã cụ thể hóa thành 18 vấn đề cần sửa đổi.
Rõ ràng, việc hoàn chỉnh khung khổ pháp lý cũng như khắc phục những hạn chế trên thực tế hiện nay trong tổ chức thực hiện - suy cho cùng đều là nhằm tăng hiệu quả thực thi quản lý đầu tư công. Đây là yếu tố quyết định tiến độ và chất lượng giải ngân đầu tư công, bảo đảm không bị thất thoát vốn. Đương nhiên, giải quyết mâu thuẫn giữa quy trình quản lý đầu tư công và nhu cầu thực tế phát triển chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng dù thế nào thì việc xây dựng chính sách vẫn buộc phải khẳng định được hiệu quả quản lý, chú trọng vai trò “gác cổng” của luật. Và quan trọng hơn là cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, tăng cường hậu kiểm để bảo đảm hiệu quả đầu tư công, lợi ích của quốc gia.
Khi và chỉ khi thực hiện nghiêm từ khâu xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật thì mới mang lại hiệu quả.