Sách giáo khoa không thay đổi trong vòng 16 năm qua
Giáo dục - Ngày đăng : 17:43, 21/09/2018
Liên quan đến ý kiến cho rằng sách giáo khoa thay đổi liên tục, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dẫn chứng về quy trình 6 bước, từ khâu biên soạn đến khâu phát hành sách giáo khoa và khẳng định: Nội dung sách giáo khoa được giữ ổn định 16 năm kể từ khi biên soạn (năm 2002) đến nay. Theo quy trình, sau khi được hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành, sách giáo khoa không được chỉnh sửa.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm nội dung của sách giáo khoa để học sinh viết vào, dẫn tới việc sách không thể dùng lại.
Thực tế, mỗi năm có gần 35% số lượng sách giáo khoa cũ được học sinh sử dụng lại. Cụ thể, năm 2018, cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh đều sử dụng sách giáo khoa mới, số lượng sách giáo khoa cần in vào khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018, số lượng sách giáo khoa được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, đáp ứng nhu cầu của gần 65% số học sinh.
Cũng theo ông Hoàng Lê Bách, giá bán sách giáo khoa không thay đổi trong 8 năm qua. Để tránh hiện tượng “nhồi” vào bộ sách giáo khoa những loại sách không cần thiết, không đúng danh mục, hằng năm, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đều công khai bảng giá và danh mục sách giáo khoa của từng lớp trên website của đơn vị. Thông tin này cũng được niêm yết tại các cửa hàng của công ty sách và thiết bị trường học địa phương và in trên bìa sau của từng cuốn sách giáo khoa để phụ huynh, học sinh có căn cứ chọn mua đúng tên, số lượng sách giáo khoa theo danh mục.
Trước thông tin về vấn đề doanh thu từ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Lê Bách cho biết: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách. Do chi phí đầu vào của sách giáo khoa tăng, trong khi giá bán không thay đổi, hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa luôn bị lỗ. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp khoản lỗ từ hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa, kinh phí mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán về tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ngày 26-1-2018 của Kiểm toán Nhà nước xác nhận: Doanh thu sách giáo khoa năm 2015 là 656,6 tỷ đồng, kết quả kinh doanh mảng sách giáo khoa lỗ 43,8 tỷ đồng; doanh thu sách giáo khoa năm 2016 là 735,2 tỷ đồng, kết quả kinh doanh mảng sách giáo khoa lỗ 43,3 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập xác định, doanh thu mảng sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.