Cây giáng hương gần 100 năm tuổi trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị đào trộm
Đời sống - Ngày đăng : 20:33, 21/09/2018
Theo người dân địa phương, cây giáng hương kể trên là cây rừng tự nhiên, nằm sát bên bờ hồ Dầu Tiếng, cao trên 15 mét, tuổi đời độ khoảng 100 năm tuổi. Còn theo bảng kê lâm sản do Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng xác định, cây có khối lượng 3,615 m3, thuộc gỗ quý hiếm, nhóm IIA.
Trong báo cáo ngày 20-8 của ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh báo cáo Ban Nội chính Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tây Ninh về vụ việc vi phạm kể trên, vào ngày 6-8-2018, ông Nguyễn Văn Năm có làm đơn xin cắt cây giáng hương tại lô h, khoảnh 20, tiểu khu 59 thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (trên phần đất ông Nguyễn Văn Năm đang ký hợp đồng trồng rừng với Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng). Sau khi nhận đơn, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng tổ chức kiểm tra và lập biên bản kiểm tra; trong thời gian chờ Ban Quản lý trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền có cho khai thác cây giáng hương hay không, một số đối tượng đã thực hiện hành vi bứng trộm và vận chuyển cây giáng hương kể trên ra khỏi rừng.
Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã mời các đối tượng có liên quan đến để làm việc, lấy lời khai (trong đó có ông Nguyễn Văn Năm); đồng thời có công văn gửi Công an huyện Tân Châu đề nghị hỗ trợ truy xuất camera an ninh để tìm biển kiểm soát xe chở cây giáng hương ra khỏi rừng, truy tìm tang vật (cây giáng hương) để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Qua kết quả điều tra, xác minh ban đầu ngành chức năng đã ghi nhận Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng chưa làm tốt việc kiểm soát người, phương tiện đưa vào rừng, để các đối tượng lợi dụng, dễ dàng thực hiện hành vi khai thác trộm và vận chuyển cây giáng hương kể trên ra khỏi rừng.
Theo ông Mang Văn Thới - Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cây gỗ giáng hương kể trên không thuộc đối tượng cho phép khai thác, tận dụng, tận thu với bất cứ lý do gì, vì cây này có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, thuộc nhóm quý hiếm được quy định tại Thông tư 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.