Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình: Sớm đưa vào khai thác hiệu quả
Giao thông - Ngày đăng : 07:09, 21/09/2018
Khi hoàn thành, tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20km so với tuyến quốc lộ 6 hiện nay. Cùng với đó, thời gian lưu thông giữa hai địa phương cũng sẽ được giảm đáng kể.
Thảm bê tông nhựa tại dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: Tuấn khải |
Khẩn trương về đích
Công trường thi công tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình những ngày này luôn trong không khí khẩn trương. Tại hiện trường, nhà đầu tư đã huy động các nhà thầu mạnh của Tổng công ty 36 tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Đăng Giáp khẳng định, các đơn vị thi công đang chạy đua cùng thời gian và thời tiết để đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Nhằm đưa dự án về đích đúng hạn, ông Nguyễn Đăng Giáp đã trực tiếp đến từng "điểm nóng" để đốc thúc các nhà thầu và cử người lên công trường giám sát liên tục từng hạng mục của dự án. "Chỗ nào thiếu máy móc, nhân lực phải bổ sung ngay, tiến độ phải được báo cáo hằng ngày. Vốn có, mặt bằng cơ bản đã xong, không có lý do nào để làm chậm" - ông Nguyễn Đăng Giáp nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài khoảng 31km, tổng mức đầu tư hơn 2.989 tỷ đồng. Trong đó, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc - Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn; đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, TP Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Sau khi các khó khăn về nguồn vốn và mặt bằng được tháo gỡ, các đơn vị tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi để thi công đồng loạt, tiến độ hiện nay đã đạt khoảng 98% khối lượng. Công tác thảm bê tông nhựa cũng đã cơ bản hoàn tất. Hiện tại, các nhà thầu tập trung hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, biển báo, vạch sơn, hộ lan, thoát nước dọc tuyến để bảo đảm tuyến đường khai thác vận tốc 80km/giờ. Sau khi dự án thông xe, đường đi từ Hà Nội đến Hòa Bình rút ngắn được khoảng 20km. Thời gian lưu thông giữa hai địa phương cũng được giảm đáng kể.
Đề cập thêm về những khó khăn của dự án, ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, cho đến cuối tháng 4-2018, dự án mới được bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng "sạch" cho nhà thầu phục vụ thi công, đặc biệt là "nút thắt" về mặt bằng tại 2 xã Yên Bình và Yên Trung (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Một khó khăn nữa là vấn đề nguồn vốn. Việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tài trợ nguồn vốn cho công trình dừng giải ngân trong thời gian dài đã khiến dự án liên tục phải gia hạn tiến độ và chậm hoàn thành đúng 2 năm so với hợp đồng BOT. Cụ thể, dự án được SHB cung cấp vốn vay tín dụng với hạn mức 1.999 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1-11-2017, SHB đã tạm dừng giải ngân nguồn vốn vay và từ ngày 11-7-2018 mới nối lại giải ngân sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng
Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo: Đây là công trình có quy mô lớn, có nhiều hạng mục thi công trong mùa mưa, nên nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng công trình, nhất là việc thi công lớp bê tông nhựa, công tác gia cố mái ta-luy để tránh sụt trượt… Thực tế tiến độ là rất cần, nhưng chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù là tuyến đường làm mới, nhưng dân cư hai bên đường khá đông nên trong quá trình thi công phải quản lý công trường, bố trí đầy đủ biển cảnh báo, người hướng dẫn giao thông... Đồng thời, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình sớm cắm mốc mặt bằng để quản lý hành lang an toàn giao thông dọc tuyến phục vụ cho quá trình mở rộng quy mô dự án thành đường cao tốc sau này.
Cũng theo ông Lưu Việt Khoa, Ban Quản lý dự án 2 và Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình thường xuyên duy trì bộ phận hiện trường có mặt trên công trường trực tiếp theo dõi, đôn đốc, xử lý các vấn đề nảy sinh. Hằng tuần đều họp giao ban tại công trường, tranh thủ thời tiết gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm chất lượng thi công, nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục, thanh toán kịp thời. Ngay trong quá trình triển khai dự án, một số nhà thầu không bảo đảm về năng lực tài chính cũng đã được thay thế kịp thời.
"Với sự vào cuộc quyết liệt của nhà đầu tư, nhà thầu cùng với nguồn vốn tín dụng được giải ngân, chắc chắn tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ hoàn thành trước hạn vào ngày 10-10 tới" - ông Lưu Việt Khoa khẳng định.