Tháo gỡ vướng mắc thực hiện Luật Đầu tư công
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 21/09/2018
Trường Mầm non Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì), một trong những công trình đầu tư công hiệu quả của Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Đề xuất điều chỉnh 18 vấn đề chính sách
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Một số quy định trong luật quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, gồm: Nhóm chính sách về quy định chung; nhóm chính sách về quản lý dự án và nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công. Các nhóm chính sách này được Chính phủ cụ thể hóa thành 18 vấn đề chính sách cần sửa đổi.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong những năm gần đây, tác động của đầu tư công đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định ở mức cao và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách, do đó, chỉ nên chọn 5-7 điều bất cập để sửa.
Đồng tình với khó khăn nêu ra trong tờ trình và thống nhất quan điểm những gì đang vướng mắc thì phải sửa, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Luật Đầu tư công có khó khăn, nhưng những bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm. Tôi đồng ý cái cứng nhắc thì rà soát lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi, còn những gì không phải do luật mà do công tác điều hành thì không sửa”.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, có những dự án đã có chủ trương đầu tư, bố trí vốn nhưng vẫn chưa giao vốn như: Sân bay Long Thành, đường cao tốc... Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc vốn ít, không đủ cân đối thì đâu phải do luật.
Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, có 3 vấn đề làm hạn chế việc thực hiện đầu tư công, đó là: Chưa quen làm theo cách thức mới; chuẩn bị không đầy đủ dẫn đến đội giá; khối lượng công việc quá lớn. Theo đại biểu, qua theo dõi có thể thấy các dự án trung hạn 5 năm nay mới triển khai được khoảng 30%. Đại biểu đề nghị cần giữ nguyên tắc giám sát chặt chẽ về ngân sách nhà nước, giữ kế hoạch trung hạn 5 năm, bố trí đủ nguồn lực và phải nỗ lực thực hiện bằng được.
Không để tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa
Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều được đầu tư đã mang lại hiệu quả cao trong việc khám và điều trị bệnh. Ảnh: Mạnh Hà |
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự thảo luật có nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua rà soát cho thấy, trong số 106 điều luật thì có gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn và việc này dễ làm phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là Điều 7 dự thảo luật quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ thì mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc sửa đổi này là chưa đủ căn cứ vì việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, 3 năm qua, tính từ thời điểm áp dụng luật, chỉ số giá tiêu dùng không biến động lớn. Hơn nữa, quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước... Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên tiêu chí về tổng mức đầu tư như luật hiện hành.
Tương tự, về phân loại kế hoạch đầu tư công, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thực hiện theo phương thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành vì cho rằng không cần thiết và không mang tính khả thi. Các đại biểu đề nghị giữ quy định của luật hiện hành là chỉ có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch hằng năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm đồng ý sửa đổi Luật Đầu tư công, nhưng chỉ sửa đổi phần vướng mắc, không sửa đổi toàn diện. Chỉ rõ những vướng mắc có nguyên nhân là do thực hiện không đúng quy định của pháp luật, cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa làm hết trách nhiệm của mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định của pháp luật, chỉ trừ trường hợp thực sự khó khăn, bất khả kháng, thiên tai, địch họa…