Tập trung nguồn lực phát triển Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Chính trị - Ngày đăng : 13:42, 21/09/2018
Hội nghị là dịp nhìn lại sự phát triển của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như giải pháp khắc phục nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của phong trào ngày càng có chiều sâu và đi vào thực chất, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Đại diện TP Hà Nội tham dự hội nghị có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.
Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các đồng chí thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) cấp tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp cấp tỉnh, thành phố.
Trong những năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân.
Phong trào đã diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các phong trào thi đua yêu nước khác, trở thành động lực mạnh mẽ xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, làng, xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong xây dựng và phát triển đất nước.
Trải qua 18 năm, Phong trào đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ, tổng kết, Phong trào đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; hơn 19 triệu gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”; 69 nghìn làng, thôn, ấp, tổ dân phố văn hóa; gần 85 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa… Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phong trào TDĐKXDĐSVH vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Phong trào ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa sâu sắc, dẫn đến cách triển khai, thực hiện còn hình thức, chạy theo thành tích; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo trung ương và Ban Chỉ đạo một số địa phương chưa thường xuyên chặt chẽ, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện Phong trào; bình xét các danh hiệu văn hóa tại một số địa phương còn dễ dãi, không thực hiện đúng hướng dẫn, quy định của Trung ương; nguồn kinh phí phục vụ công tác triển khai, thực hiện Phong trào chưa được bố trí phù hợp; một số tiêu chí chưa có sự thống nhất, rõ ràng, khó vận dụng; nhiều nội dung thi đua còn chồng chéo…
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tổ chức, thực hiện Phong trào có chất lượng, như: Rà soát, kiểm tra, làm rõ các tiêu chí; nhất thể hóa tiêu chuẩn đánh giá các danh hiệu để thực hiện cho thống nhất; phát huy vai trò nêu gương trong cán bộ, đảng viên, người đứng đầu gắn với công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng hằng năm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng thời có cơ chế khen thưởng, động viên xứng đáng với những cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…
Phát biểu chỉ đạo,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ những kết quả đã đạt được sau 18 năm gây dựng, phát triển phong trào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc xét tặng danh hiệu, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa gắn với vai trò giám sát của các cộng đồng dân cư; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, ủng hộ để nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn mỗi vùng, miền.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung dành nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho Phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, tích cực nhân rộng các mô hình hay, việc làm tốt trong cộng đồng.