Khó khăn không ngăn thành tích

Thể thao - Ngày đăng : 07:55, 22/09/2018

(HNM) - Các vận động viên do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội quản lý đã góp phần giành 4 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc, 16 Huy chương đồng trong tổng số 4 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc, 19 Huy chương đồng mà Đoàn thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD 18.

Đây là bảng thành tích ấn tượng, nhất là trong bối cảnh điều kiện về nhà ở, nhà tập, cơ sở vật chất tại Trung tâm còn thiếu hoặc xuống cấp, trang thiết bị đã cũ. Phóng viên Báo Hànộimới vừa có cuộc trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này.

Đội thuyền 4 nữ mái chèo đơn hạng nhẹ môn rowing đã vượt nhiều khó khăn để giành Huy chương vàng tại ASIAD 18. Ảnh: Minh Hoàng


- Tại ASIAD 18, vận động viên thuộc sự quản lý của Trung tâm đã giành 34 trong tổng số 39 huy chương, bao gồm cả 4 Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?


- Ngoài Trung tâm ở Hà Nội, hiện thể thao Việt Nam còn có các trung tâm thể thao cấp quốc gia ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả thi đấu của các vận động viên do Trung tâm quản lý tại Á vận hội 2018 mang lại niềm vui, động lực cho chúng tôi. Tôi thực sự tự hào khi chứng kiến nỗ lực, quyết tâm tập luyện và thi đấu của các vận động viên, nhất là khi các em đã vượt qua khó khăn về điều kiện tập luyện, ăn, ở để vươn đến đỉnh cao.

- Trung tâm là "đại bản doanh" của thể thao Việt Nam, vì sao sau bao năm mà vẫn gặp khó khăn về việc bố trí tập luyện, ăn, ở cho các vận động viên hàng đầu của cả nước?


- Tổng quân số tập huấn tại Trung tâm từ đầu năm đến nay là 1.019 người, thuộc 54 đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia. Được coi là "đại bản doanh" của thể thao Việt Nam nhưng tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp là một thực tế gây nhức nhối. Quân số đông nên Trung tâm phải gửi một phần tập huấn tại các cơ sở của Hà Nội, Hải Phòng..., làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý các đội. Đời sống cán bộ, công nhân viên của Trung tâm cũng còn nhiều khó khăn do mức lương thấp và hầu như không có hoạt động kinh doanh cho thu nhập tăng thêm. Nguồn kinh phí dành cho chi phí quản lý chung rất eo hẹp trong khi quân số tập huấn rất đông...

- Trong đợt mưa tối 18-9, "cư dân mạng" truyền nhau hình ảnh ghi lại cảnh hứng nước mưa từ trên trần nhà rơi xuống giường nằm của một vận động viên có tiếng. Nhiều người không khỏi ái ngại khi thấy các vận động viên đội tuyển quốc gia phải sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ông có suy nghĩ gì?

- Thực tế có khi còn nhức nhối hơn thế. Do nước ta còn nhiều khó khăn nên ngân sách dành cho thể thao hạn chế. Những người làm thể thao vẫn dùng từ "thương" và "nể" khi nói đến điều kiện ăn, ở của vận động viên. Thương vì thấy các em khổ quá. Còn nể vì vất vả là thế nhưng các em vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Chúng tôi tự hào khi vận động viên tập huấn tại Trung tâm không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật. Các em luôn biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong tập luyện và thi đấu.

Thực ra, trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 18, có một số nhà ở tại khu A, bao gồm nhà A, nhà C, nhà D và nhà phục hồi chức năng được sửa chữa, cải tạo. Nhưng thú thực là các khu nhà ở bị dột nát, xuống cấp từ lâu, chúng tôi không có kinh phí để sửa hết ngay được. Có một số hạng mục khác được duyệt sửa sang lại, nhưng đa phần ưu tiên cho việc tập luyện, bao gồm sửa chữa và thay thế mặt sàn, khung gỗ mục tại phòng tập môn karatedo, nhà tập khu B. Hiện chúng tôi đang cùng các đơn vị thiết kế lập dự toán Dự án nhà tập thể lực tại khu A theo tiêu chí bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng, không lãng phí, nhưng kinh phí cũng chưa được phê duyệt.

- Từng xem vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo tập luyện ở nhà tập thể lực, tôi thấy các dụng cụ đa phần cũ kỹ và nhà tập thực sự rất nóng. Giá như các vận động viên trọng điểm cấp quốc gia được tập trong những phòng tập hiện đại, kết quả sẽ còn khá hơn nhiều, thưa ông?

- Với điều kiện tập luyện còn nhiều hạn chế, Thu Thảo đã giành Huy chương vàng ASIAD 18 nhảy xa nữ. Chúng tôi không có đủ điều kiện nhưng vẫn cố gắng cung cấp đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sân bãi, nhà tập, nhà ở cho các đội tuyển. Trung tâm đã cử 19 y, bác sĩ tham gia chăm sóc các đội tuyển, khám và điều trị chấn thương cho 1.279 lượt người, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho vận động viên...

- Tới đây, Trung tâm chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 30 - năm 2019 tại Philippines và đặc biệt là SEA Games 31 - năm 2021 tại Việt Nam, sẽ có rất nhiều việc phải làm?


- Chúng tôi đề nghị được triển khai các công trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt đề án như nhà tập 6 tầng; nhà tập, sân tập khu C Tam Đảo, nhưng 6 năm qua không được cấp vốn để triển khai. Vừa qua, chế độ tiền ăn cho huấn luyện viên, vận động viên đã được tăng, nhưng tiền công vẫn chưa tăng. Hằng năm, kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho nhà tập, nhà ăn, nhà ở… của Trung tâm rất ít nên khó thực hiện đồng bộ. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để phục vụ công tác huấn luyện của các đội tuyển ngày càng tốt hơn. Các vận động viên cần được quan tâm hơn đến điều kiện ăn, ở, tập luyện. Họ xứng đáng với điều đó!

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa