Tránh nguy cơ cháy lan

Đời sống - Ngày đăng : 08:10, 22/09/2018

(HNM) - Nhà có diện tích nhỏ, san sát nhau, chứa nhiều vật dụng dễ cháy là đặc điểm dễ nhận thấy tại nhiều tuyến phố kinh doanh, buôn bán sầm uất thuộc các quận trung tâm của Hà Nội...

Vụ cháy xảy ra ngày 17-9 vừa qua tại tuyến đường Đê La Thành (quận Ba Đình) là một minh chứng, mà giải pháp phòng tránh hữu hiệu nhất chính là ý thức của mỗi gia đình.

Ngăn cháy lan vụ cháy trên đường Đê La Thành (quận Ba Đình).


Nguy cơ cao

Vào khoảng 18h ngày 17-9, ngọn lửa từ khu vực sau số nhà 889 đường Đê La Thành (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đã lan nhanh sang nhiều căn nhà liền kề trong khu vực. Mặc dù đám cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng thống kê, nhưng chắc chắn là không nhỏ. Theo Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình, khu vực xảy ra cháy là nơi kinh doanh đồ gỗ, có nhiều vật liệu, hóa chất dễ cháy. Kết cấu công trình cũng phức tạp, nhiều gian nhà trọ cơi nới bằng vật liệu dễ cháy khiến ngọn lửa lan nhanh và gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Xem xét khu vực xảy ra vụ cháy tại đường Đê La Thành cho thấy, nhiều địa bàn tại Hà Nội cũng có đặc điểm tương tự, dễ xảy ra cháy, nổ, cháy lan, nguy cơ gây thiệt hại nặng nề luôn thường trực. Đặc biệt là các tuyến phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Đồng Xuân… và các tuyến phố khác như Khâm Thiên, Định Công, Minh Khai, Trương Định… Đây là nơi có mật độ dân cư đông đúc, đa phần các hộ gia đình vừa ở, vừa kinh doanh, buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Các mặt hàng bày bán chủ yếu được làm từ nhựa, vải, giấy... rất dễ bắt lửa.

Đại úy Đặng Minh Tuấn, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội) nhận định, đa phần các chủ cơ sở chỉ quan tâm tới việc kinh doanh, chưa thực sự quan tâm tới công tác phòng chống cháy, nổ. Một số chủ hộ kinh doanh đã trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ, nhưng việc sắp xếp hàng hóa lại che chắn các thiết bị, thậm chí bịt kín lối thoát hiểm. Ngoài ra, dù nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cháy, nổ là do sự cố điện nhưng hệ thống lưới điện tại nhiều hộ kinh doanh chăng mắc chằng chịt, nhiều thiết bị xuống cấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện để kinh doanh, sản xuất hàng hóa ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ quá tải, chập điện gây cháy.

Ngoài ra, theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ), với sự cố xảy ra tại những nơi giao thông thông thoáng, phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận dễ dàng để dập lửa. Nhưng tại phố nhỏ, kinh doanh buôn bán đông đúc, xe chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường và hậu quả sẽ khôn lường.

Nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người dân

Tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho các hộ kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm.


Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho rằng, thực tế sau mỗi sự cố cháy, nổ gây thiệt hại, nhiều người dân mới lo lắng về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, lo lắng không thôi chưa đủ, mà phải biến thành ý thức tự nâng cao kiến thức, trách nhiệm của mình đối với an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong các buổi tập huấn do cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức, người dân cần tham gia đầy đủ để tự trang bị những kiến thức cơ bản nhất về phòng chống sự cố cháy, nổ xảy ra tại gia đình và cơ sở kinh doanh, sản xuất.

Theo Trung tá Tô Hồng Nho, các chủ hộ kinh doanh là người chịu trách nhiệm chính ở hộ gia đình và cơ sở kinh doanh của mình về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, các chủ hộ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Cùng với đó, chính quyền địa phương phải xác định rõ chức trách trong quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn. Trước tình trạng nguy hiểm, tiềm ẩn cháy, nổ từ các khu vực kinh doanh, buôn bán tập trung đông người trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến người dân...

Về công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng phòng cháy, chữa cháy thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về cháy, nổ để đề ra giải pháp phòng chống. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm... cho người dân.

Đồng thời, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cũng khuyến cáo các hộ kinh doanh tự trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cá nhân như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thiết bị cảnh báo cháy sớm… để chủ động xử lý tình huống ngay tại nhà.

Tiến Thành