Porsche sẽ là hãng xe Đức đầu tiên dừng chế tạo động cơ diesel
Xe++ - Ngày đăng : 17:01, 24/09/2018
Xe Porsche Cayenne Turbo. (Nguồn: Porsche) |
Thay vào đó, Porsche sẽ tập trung vào “sức mạnh cốt lõi” của hãng là các dòng xe động cơ xăng, xe hybrid (sử dụng cả động cơ xăng và động cơ điện) và từ năm 2019 trở đi là các mẫu xe động cơ điện.
Theo ông Blume, đây là những động thái và điều chỉnh tất yếu mà hãng phải thực hiện sau vụ bê bối khí thải diesel cách đây 3 năm của công ty mẹ Volkswagen.
Năm 2015, Volkswagen đã phải thừa nhận với giới chức Mỹ việc lắp những thiết bị gian lận trong 11 triệu xe ôtô trên toàn thế giới nhằm đối phó với các cuộc kiểm tra khí thải, đồng thời che giấu lượng khí thải tạo ra cao hơn nhiều trong quá trình sử dụng.
Đến nay, Wolkswagen đã phải chi trả hơn 27 tỷ euro cho các khoản tiền phạt, chi phí mua lại ôtô, triệu hồi các mẫu bị lỗi và các chi phí pháp lý khác có liên quan tại Đức và các nước khác.
Ngoài ra, việc một số thành phố của Đức đã ban hành lệnh cấm sử dụng phương tiện chạy bằng động cơ diesel đã khiến doanh số ôtô chạy diesel giảm mạnh.
Theo ông Blume, mặc dù hãng Porsche “chưa bao giờ nghiên cứu và chế tạo động cơ diesel” mà chỉ sử dụng động cơ của hãng Audi, nhưng uy tín và hình ảnh của Porsche vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do các vụ bê bối khí thải diesel.
Cách đây vài tháng, gần 60.000 xe SUV của Porsche tại châu Âu đã bị Cơ quan Quản lý Giao thông Liên bang Đức đã ra lệnh triệu hồi.
Từ tháng 2 vừa qua, Porsche đã dừng tiếp nhận các đơn hàng dòng xe chạy diesel, nhưng ông Blume cam kết hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ dịch vụ cho các mẫu xe diesel đang sử dụng hiện nay.
Theo báo chí Đức, Porsche hiện phải đối mặt với những cáo buộc mới về việc sử dụng một công nghệ kỹ thuật không được kích hoạt trong quá trình kiểm tra nhằm tạo ra âm thanh mạnh mẽ hơn cho ôtô.
Về việc này, ông Blume thừa nhận giới chức Đức đã chú ý đến những bất thường trong mẫu động cơ 8 xilanh Cayenne EU5 của hãng. Điều này có thể gây tác động tới khoảng 13.500 xe của Porsche.
Vụ việc bê bối khí thải động cơ diesel đã tác động sâu rộng trên toàn nước Đức cũng như đến ngành công nghiệp ôtô sử dụng tới 800.000 nhân công của nước này.
Thời gian gần đây, các tòa án của Đức đã liên tục gây sức ép lên chính quyền các thành phố của nước này trong việc làm sạch bầu khí quyển.
Hiện đã có lệnh cấm lưu thông các phương tiện sử dụng động cơ diesel trên hai tuyến đường chính ở Hamburg. Ở thành phố Stuttgart và Frankfurt cũng đã có các khu vực cấm đối với các dòng xe đời cũ di chuyển vào đây.
Người tiêu dùng cũng có phần xa lánh đối với các phương tiện sử dụng động cơ diesel, khiến cho thị phần của phương tiện này sụt giảm từ mức 46,5% trong tháng 8-2015 xuống còn 32,6% trong tháng 8 vừa qua.
Chính phủ Đức kỳ vọng sẽ có được khoảng một triệu ôtô điện và xe hybrid lưu hành trên đường phố vào năm 2022, so với con số chưa tới 100.000 xe vào đầu năm nay.
Theo ông Blume, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các phương tiện sử dụng động cơ điện đang phát triển nhanh chóng.
Dự kiến vào cuối năm 2019, khoảng 400 trạm sạc điện dọc theo các tuyến đường cao tốc ở châu Âu sẽ giúp lái xe có thể di chuyển trên toàn châu Âu.