Mục tiêu của Đề án sữa học đường không phải là tiêu chí thi đua của các trường
Giáo dục - Ngày đăng : 18:55, 25/09/2018
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo Chương trình sữa học đường; 100% bố, mẹ, người chăm sóc của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi và vitamin D của trẻ mẫu giáo và tiểu học thêm 30%... Đề án đặt mục tiêu góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 5,5%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%, góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5-2 cm so với năm 2010.
Học sinh diện nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Học sinh bình thường được ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.
Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và Viện Dinh dưỡng Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của nhà báo xung quanh các vấn đề: Tinh thần tự nguyện tham gia của học sinh và các trường; lý do triển khai đại trà Đề án tại Hà Nội; sữa có gây thừa cân, béo phì không; việc bảo đảm chất lượng và an toàn sữa học đường; vấn đề không dung nạp lactose trong sữa… Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến khẳng định, chỉ tiêu về số lượng học sinh uống sữa học đường không phải là tiêu chí thi đua đối với các trường.