Bài cuối: Xây dựng làng quê sạch, đẹp
Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 25/09/2018
Trăn trở vì ô nhiễm
Nông thôn trước đây vốn được coi là khu vực có môi trường sống trong lành nhưng hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức khi bị “bủa vây” bởi chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải từ làng nghề… Hà Nội là địa phương có số làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng có nghề, dù đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục song tại nhiều làng nghề vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài…
Người dân xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) chăm sóc đường hoa bên sông Tô Lịch. Ảnh: Phương Quỳnh |
Đơn cử, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) có hàng trăm hộ làm nghề xương sừng và thuộc da. Đối với nghề xương sừng, các hộ đã đầu tư máy cắt, gọt, mài, nguyên liệu sản xuất đã qua chế biến nên không còn công đoạn ngâm sừng dưới ao, hồ - công đoạn này đã từng gây hôi thối, gia tăng ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện mùn sừng vẫn còn nhiều, nếu không được quét dọn ngay, khi dính nước sẽ bốc mùi hôi... Với nghề thuộc da trâu, bò, để bảo quản, chủ sản xuất phải ướp muối cho da. Nước thải từ công đoạn này xả ra cống, ra đất, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái, năm 2018, Sở đã rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề. Kết quả cho thấy, chỉ 6/65 làng nghề đạt chuẩn không ô nhiễm (môi trường nước, không khí và đất); số còn lại có ô nhiễm hoặc ô nhiễm nghiêm trọng...
Không chỉ ô nhiễm ở làng nghề, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân vứt bao bì ra cánh đồng (sau sản xuất) khiến nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, do nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật… cũng phần nào tác động tiêu cực tới môi trường nước. Mặt khác, việc sử dụng nhiều và không đúng cách các hóa chất trong nuôi trồng thủy sản khiến hóa chất và thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông... càng gây gia tăng ô nhiễm. Cùng với đó, tình trạng đốt rơm rạ sau vụ gặt vẫn diễn ra; nhiều nơi, rác thải nông thôn tập kết chưa đúng nơi quy định, tràn ra nơi công cộng...
Đánh giá về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, qua chấm điểm thực tế nông thôn mới tại các địa phương, rất ít xã đạt điểm tối đa tiêu chí này…
Cộng đồng trách nhiệm
Theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm gồm 8 chỉ tiêu. Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, trước hết, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tích cực chủ động của nhân dân trong bảo vệ môi trường.
Tháo gỡ khó khăn trong tiêu chí môi trường, TP Hà Nội đã thực hiện rất nhiều chương trình cụ thể như: Đề án bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội; xây dựng cánh đồng không đốt rơm rạ; thu gom, xử lý rác thải nông thôn... Theo bà Hoàng Thị Huyền, tiêu chí môi trường không đòi hỏi quá nhiều kinh phí. Quan trọng nhất là cần chuyển biến nhận thức của người dân và huy động được cả cộng đồng chung sức.
Thực tế, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, ngoại thành Hà Nội đã xuất hiện nhiều “điểm sáng” trong bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đức cho biết, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bà con nhân dân các thôn đã xã hội hóa được hàng trăm triệu đồng mua chậu hoa về đặt ven các trục giao thông và cùng chăm sóc, tạo cảnh quan cho làng quê…
Để giữ vững tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Kiều Thị Khuyến chia sẻ, xã Đại Đồng đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2013, nhưng để nâng cao tiêu chí môi trường, xã quy định mỗi tháng, các gia đình đồng loạt thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, quét dọn đường làng, ngõ xóm vào sáng chủ nhật. Ngoài ra, mỗi tuần hai lần, các gia đình đưa rác thải ra đầu ngõ để thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung của xã. Việc này đã thu hút 100% gia đình tham gia.
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hồng, sông Tô Lịch - đoạn qua địa bàn xã dài khoảng 1.560m, qua thôn Quỳnh Đô và thôn Ích Vịnh với 186 hộ dân, nay đã sạch, đẹp; toàn bộ rác được vớt sạch, lòng sông được nạo vét, hai bên bờ sông được gia cố… Đặc biệt, nhiều gia đình đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cho giao thông và trồng cây xanh. Để tránh tình trạng tái lấn chiếm, xã vận động nhân dân thực hiện “ba không”: Không vứt rác ra sông, không đặt đơm đó bắt tôm cá trên sông (gây ảnh hưởng dòng chảy) và không dựng lều quán bán hàng...
Như vậy, cùng với yếu tố nước sạch cho nông dân, việc nhân rộng những mô hình hay trong bảo vệ môi trường nông thôn đang là những phong trào tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, mang đến môi trường sống tốt hơn cho người dân Thủ đô.