Vì lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:02, 25/09/2018

(HNM) - Các doanh nghiệp Việt đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đồng thời người dân có nhu cầu ngày càng lớn trong việc nhận biết chất lượng của sản phẩm.

Người tiêu dùng có thể quét mã QRcode để biết thông tin về sản phẩm. Ảnh: Nhật Nam


Bảo đảm chất lượng và xuất xứ

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thử nghiệm là hoạt động rất cần thiết, giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định sản phẩm hàng hóa đang lưu thông trên thị trường hoặc nhập khẩu vào Việt Nam có phù hợp với tiêu chuẩn hay không. Việc thử nghiệm cũng giúp doanh nghiệp đánh giá được chất lượng sản phẩm của mình và người dân biết được hàng hóa có đáp ứng yêu cầu của họ hay không. Trong quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng cần một đơn vị thứ ba độc lập để thử nghiệm xem đặc tính kỹ thuật của các sản phẩm có đạt các tiêu chuẩn đã đặt ra như mong muốn hay không. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước rất cần công cụ này để có thể bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

Đối với một mặt hàng liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng như mũ bảo hiểm, hoạt động thử nghiệm là không thể bỏ qua. Phòng Thử nghiệm và Tiêu dùng thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng 1 được trang bị các thiết bị để thử nghiệm từng chỉ tiêu của mũ, từ góc nhìn, độ ổn định cho tới độ bền va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên… Qua các bước thử nghiệm, mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ được gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Các mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng thường xuyên được kiểm nghiệm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Các sản phẩm này được kiểm định về mặt chất lượng và an toàn với các chỉ tiêu về vi sinh vật hay các độc tố gây bệnh. Quy trình thử nghiệm thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày tùy theo yêu cầu kỹ thuật của từng chỉ tiêu phân tích. Phiếu kết quả thử nghiệm được cấp luôn có cột so sánh kết quả với mức quy định giới hạn cho phép để người dân đối chiếu khi cần.

Ông Nguyễn Anh Phương, Tập đoàn Sunhouse, khách hàng thường xuyên của Phòng Thử nghiệm điện - điện tử thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng 1, cho biết: Công ty tham gia thử nghiệm nhằm giúp khách hàng nhận biết được các sản phẩm tiết kiệm điện năng, đồng thời đánh giá được sự an toàn của sản phẩm. Người tiêu dùng được hưởng lợi khi dùng những loại hàng hóa đã được thử nghiệm, tức là có sự bảo đảm về mặt chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Cần nguồn vốn xã hội hóa

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, hiện cả nước có hơn 1.000 tổ chức thử nghiệm được công nhận đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu ngày càng áp dụng những quy định, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, việc nâng cao vai trò của các tổ chức thử nghiệm càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các phòng thử nghiệm trong nước hiện nay có nhiều nhưng lại phân tán, nên nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả.

Ngoài ra, sự liên kết, phối hợp giữa các phòng thử nghiệm trong nước với nhau cũng như với quốc tế chưa thực sự chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc trang bị thiết bị trùng lặp, không khai thác hết công suất và tính năng của các thiết bị đã đầu tư, ảnh hưởng đến việc thừa nhận kết quả trong hoạt động kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước. Bên cạnh đó, ở mỗi vùng miền, với sự đầu tư khác nhau, các tổ chức đánh giá, thử nghiệm có sự chênh lệch về khả năng, trình độ, có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng 1, một vấn đề đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao vai trò của các tổ chức thử nghiệm hướng đến chuẩn quốc tế đó là nguồn nhân lực. Tại Việt Nam chưa có nhiều thử nghiệm viên chuyên nghiệp trong khi kết quả một phép thử phụ thuộc nhiều vào tay nghề của thử nghiệm viên. Ông Nguyễn Ngọc Trâm cho rằng: Để giảm bớt những thiếu sót, tiếp cận nhanh nhất với khoa học kỹ thuật, ngoài việc đào tạo chuyên môn cho các cán bộ thử nghiệm, cần phải tăng cường năng lực về thiết bị. Ngoài ra, để thị trường hoạt động thử nghiệm vốn còn non trẻ có thể phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần thêm những giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường xây dựng năng lực đáp ứng của hoạt động thử nghiệm. Quan trọng hơn, khi đã xây dựng được thì phòng thử nghiệm phải duy trì được năng lực đó. Các đơn vị thử nghiệm cũng phải chủ động tham gia vào các hoạt động so sánh liên thông, tham gia vào các chương trình đào tạo để biết được năng lực của mình đến đâu, cần cải tiến chỗ nào và cải tiến như thế nào. “Chúng tôi đang đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động thử nghiệm. Trước đây đa số là các hoạt động thử nghiệm của Nhà nước. Hiện nay, đa phần các tổ chức thử nghiệm là doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài. Điều này giúp cho thị trường có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, đơn vị thử nghiệm phục vụ nhu cầu được cụ thể hơn”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Mai Hà