Khó khăn trong thu Quỹ Phòng, chống thiên tai

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 26/09/2018

(HNM) - Mặc dù được xác định là nguồn lực quan trọng để cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả, ứng phó, phòng ngừa thiên tai, nhưng hiện nay, nhiều địa phương gặp khó khăn trong huy động và quản lý hiệu quả nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai.

Quỹ Phòng, chống thiên tai là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ khẩn cấp nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.


Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP (Nghị định 94), ngày 17-10-2014 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, cả nước vẫn còn 5 tỉnh, thành phố chưa thành lập cơ quan quản lý quỹ và 13 tỉnh, thành phố chưa tổ chức thu quỹ. Ngoài ra, mặc dù đã tổ chức thu quỹ nhưng tính đến nay, 45 tỉnh, thành phố mới thu được 1.352 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch thực tế của địa phương, số tiền thu được không đồng đều. Tại TP Hà Nội, kết thúc năm 2017, các quận, huyện, thị xã mới thu được hơn 22 tỷ đồng; kế hoạch năm 2018 thu hơn 93 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chậm thành lập cơ quan quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai là do Nghị định 94 không quy định loại hình tổ chức và cơ cấu tổ chức bộ máy của quỹ nên không thể vận dụng các chính sách hiện hành để xây dựng tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động của quỹ. Bên cạnh đó, Nghị định 94 cũng chưa quy định chi tiết về cơ cấu, hoạt động, quyền hạn của hội đồng giám sát quỹ; chưa quy định chi tiết về các chế độ cho cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh…

Còn nguyên nhân số tiền thu được không đạt kế hoạch, là do Nghị định 94 tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, ngành Thuế là cơ quan nắm rõ nhất thông tin về doanh nghiệp thông qua việc kê khai thuế hằng năm; bảo hiểm xã hội là cơ quan nắm đầy đủ thông tin của lao động tại các đơn vị. Tuy nhiên, Nghị định 94 chưa đề cập đến vai trò và trách nhiệm của các ngành này trong công tác lập kế hoạch và đối chiếu kiểm tra kết quả thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập…

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố có hơn 245.000 doanh nghiệp hoạt động, nếu thu đúng, thu đủ nhóm đối tượng này thì số Quỹ Phòng, chống thiên tai của thành phố sẽ cao hơn nhiều so với thực tế và kế hoạch do các quận, huyện, thị xã đã xây dựng. Theo quy định, việc lập kế hoạch và thu quỹ của các doanh nghiệp hạch toán độc lập là trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện, thị xã chưa lập kế hoạch thu của đối tượng này hoặc có lập thì cũng không đủ so với số doanh nghiệp thực tế. Cụ thể, hiện nay chỉ có 10 quận, huyện, thị xã đã thống kê đủ đối tượng phải thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2018, gồm: Hà Đông, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ứng Hòa, Sơn Tây; 20 quận, huyện còn lại chưa thống kê đủ, thiếu từ 1 đến 3 đối tượng phải thu, nộp.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, bổ sung số liệu thu quỹ còn thiếu trong kế hoạch thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2018 theo đúng quy định; đồng thời, đề nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi những bất cập của Nghị định 94…

Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) vừa cho biết, dự kiến trong năm 2018, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ hoàn thành dự thảo trình Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 94…

Kim Nhuệ