Người góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 10:14, 26/09/2018
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các Trưởng đoàn sau khi kết thúc Phiên họp kín thứ nhất Hội nghị các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, ngày 11-11-2017, tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Có thể khẳng định, những hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua đã góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Trên diễn đàn quốc tế, mà điểm sáng là Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, Việt Nam đã khẳng định được vị thế cũng như trách nhiệm của mình. Như Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng khẳng định: Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu rộng, có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Một trong những kết quả tốt đẹp, nổi bật của Năm APEC 2017 là các thành viên đã thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên, hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường.
Trong những chuyến thăm chính thức tới các quốc gia bè bạn, đối tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và tin cậy. Tại mỗi quốc gia, tinh thần rộng mở, tin cậy và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với mối quan hệ hợp tác song phương hay với các nhiệm vụ quốc tế và khu vực đều được thể hiện một cách có trách nhiệm.
Trong chuyến thăm Belarus tháng 6-2017, trả lời câu hỏi của phóng viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ: “Tôi chuyển đến lãnh đạo và nhân dân Belarus mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả, đáp ứng lợi ích của cả hai bên”. Tại Liên bang Nga (tháng 6-2017), sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Quan hệ Việt - Nga dựa trên sự tin cậy chính trị cao, với cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ chế hợp tác toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trên trường quốc tế đã góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi nước và vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Thông điệp mà Chủ tịch nước nhiều lần truyền tải đến bạn bè quốc tế là Việt Nam có đường lối đối ngoại đa phương hóa, tăng cường mối quan hệ với bạn bè truyền thống; đồng thời tham gia có trách nhiệm vào những vấn đề mới, “nóng” của thế giới, vì hòa bình, phát triển chung của nhân loại.
Khi đến thăm đất nước Cuba anh em (tháng 11-2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang tái khẳng định, Việt Nam ủng hộ Cuba đấu tranh đòi chấm dứt ngay và vô điều kiện lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính phi lý chống Cuba. Việt Nam luôn ủng hộ quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ; đánh giá cao uy tín và chính nghĩa của Cuba ở khu vực Mỹ Latin - Caribe, cũng như quyết định của Hiệp hội Các nhà nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC) tuyên bố Mỹ Latin và Caribe là Khu vực Hòa bình.
Trong chuyến thăm Cộng hòa Ấn Độ (tháng 3-2018), nói chuyện với đông đảo chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên nước bạn tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chiếm được cảm tình sâu sắc của cử tọa khi không chỉ chia sẻ những tình cảm sâu nặng, thắm thiết giữa các vị tiền bối kiệt xuất là Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn chỉ rõ hướng đi mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Đó là, quan hệ giữa hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần những nỗ lực mới, quyết tâm mới của cả hai bên để đạt được những thành tựu to lớn hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân hai nước.
Hình ảnh, vị thế của Việt Nam được nâng cao lên một tầm cao mới qua chuyến thăm thành công tốt đẹp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật Bản (cuối tháng 5 đầu tháng 6-2018). Mọi hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm này đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đối tác Nhật Bản. Đặc biệt chưa khi nào, Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản lại có sự tiếp đón nồng hậu, chân tình và tin tưởng như vậy đối với một chính khách nước ngoài. Kết quả chuyến thăm và những hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Nhật Bản đã thực sự góp phần vào việc đưa quan hệ giữa hai nước trở thành “những người bạn chân thành, chia ngọt, sẻ bùi và thấu hiểu” như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại buổi chiêu đãi nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (ngày 1-6-2018)...
Tâm huyết với hoạt động ngoại giao của đất nước, chỉ trước khi từ trần hơn một tháng (ngày 14-8), trong buổi tiếp đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị: Ngành Ngoại giao cần tiếp tục đổi mới tư duy không chỉ về đối ngoại mà cả về phát triển đất nước trước những thay đổi của tình hình thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cần chủ động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo chiến lược, nắm bắt, xử lý thông tin, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, có những sản phẩm nghiên cứu, dự báo chất lượng cao, phục vụ tốt yêu cầu tham mưu; chủ động đưa ra các sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và nâng cao vị thế của Việt Nam...
Dù nắm trọng trách Chủ tịch nước trong thời gian không dài, nhưng đồng chí Trần Đại Quang đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Chủ tịch nước đã dành nhiều công sức cho hoạt động đối ngoại của đất nước, trên tinh thần xây dựng mối quan hệ đoàn kết quốc tế, thực chất và hiệu quả; qua đó góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.