Thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 27/09/2018
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa:
Tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động
Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong ba chức năng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Là địa phương tập trung đông công nhân, viên chức, lao động với 2,5 triệu người, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, Công đoàn triển khai hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” gắn với xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội... Trong nhiệm kỳ, Liên đoàn Lao động thành phố thành lập mới 19 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, thành lập 42 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động như: “Tháng công nhân”, “Tết sum vầy", “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”…, huy động sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp cùng chung sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ:
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động
Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 20.067 công đoàn cơ sở, với hơn 1,3 triệu đoàn viên. Trình độ học vấn, tay nghề, hiểu biết về pháp luật của người lao động hiện không đồng đều. Do đó, công tác tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm qua. Liên đoàn Lao động thành phố đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn thành phố và 28 tổ tư vấn pháp luật tại các quận, huyện, các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Từ năm 2016 đến nay đã có gần 2.000 công nhân lao động được hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động hơn 17 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, kiến nghị xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, từ đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương:
Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn
Với đặc thù là một tỉnh miền Trung có số lượng công nhân, viên chức, lao động gần 110.000 người, các cấp công đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bám sát nghị quyết của công đoàn cấp trên, căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị, sáng tạo đổi mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Cụ thể như xây dựng trạm sửa chữa xe máy miễn phí cho công nhân, nhà để xe riêng cho lao động nữ mang thai, tổ chức đám cưới tập thể cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết; phối hợp với người sử dụng lao động khám sức khỏe định kỳ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động...
Hiện tỉnh đã có 118/150 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động (chiếm tỷ lệ 78,7%). 5 năm qua, Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo đã giải quyết cho 108 dự án vay hơn 22,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 259 “Mái ấm công đoàn” cho lao động nghèo với số tiền gần 6,2 tỷ đồng.
Đại biểu Kiều Minh Sinh, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai:
Tư vấn pháp luật bảo vệ người lao động
Công tác tư vấn pháp luật và khởi kiện tại tòa án đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đại diện và bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn. Tại Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, công tác tư vấn pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức. Liên đoàn Lao động tỉnh có Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh và hai văn phòng tư vấn pháp luật tại Liên đoàn Lao động hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch.
Hoạt động này đã góp phần giúp người lao động nâng cao kiến thức pháp luật, nắm được những quy định pháp luật cơ bản để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Từ thực tiễn, Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động để công đoàn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động tập thể.
Đại biểu Nguyễn Sinh, Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam:
Đào tạo cán bộ công đoàn phù hợp với yêu cầu
Công đoàn Công Thương đã biên soạn bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở với 9 bài giảng cơ bản: Hướng dẫn hoạt động công đoàn cơ sở, hợp đồng lao động và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, thỏa ước lao động tập thể và vai trò của công đoàn, giải quyết tranh chấp lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp…
Đồng thời, Công đoàn Công Thương xây dựng 4 nhóm chức danh gồm: Cán bộ tổ công đoàn, cán bộ công đoàn bộ phận, cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở. Từ đó xác định nội dung, thời gian đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm chức danh.
Về cơ bản Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo trong hệ thống công đoàn ngành theo chức danh và theo đối tượng cán bộ của từng cấp, đạt được chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Nghị quyết Đại hội đề ra.