Khó xử lý Biệt thự bỏ hoang
Bất động sản - Ngày đăng : 06:16, 27/09/2018
Nhiều khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất, tiền bạc của xã hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Lãng phí, phản cảm
Được hình thành từ năm 2008, song hiện nay, tại Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) vẫn có hơn chục dãy biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang. Có mặt tại khu đô thị này, phóng viên ghi nhận trong số hơn chục dãy biệt thự, nhà liền kề của dự án, chỉ có hai ngôi nhà được hoàn thiện; còn lại mới được hoàn chỉnh phần thô, không ít nhà bị cây leo phủ kín cổng, cỏ dại mọc um tùm.
Cùng chung số phận, dự án từng được ví như "thiên đường" khiến nhiều người mơ ước là Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) sau gần 20 năm, nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề cũng rơi vào cảnh hoang hóa, lãng phí rất lớn.
Ông Nguyễn Viết Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: "Tổng diện tích đất của xã bị thu hồi để xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh khoảng 180ha. Song, chủ đầu tư mới xây dựng 45-50%, vẫn còn lại nhiều khu đất trống, nhiều nhà biệt thự bỏ hoang chưa sử dụng, cỏ dại mọc um tùm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu đô thị". Trong khi đó, người dân địa phương thì bức xúc vì không có đất canh tác; nhà thì xây dựng dở dang cây cỏ mọc bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan và phát sinh ổ muỗi gây dịch bệnh.
Tình trạng biệt thự, nhà liền kề bị hoang hóa cũng xảy ra ở các khu đô thị: Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), Thiên đường Bảo Sơn, Lideco (huyện Hoài Đức)... Tại một số khu biệt thự để hoang này, người dân đã tận dụng đất trống quanh biệt thự để trồng rau, quây rào nuôi gà, thả vịt.
Bà Nguyễn Thị Hoa sống gần Khu đô thị Trung Văn cho biết: “Biệt thự xây lên để bỏ hoang đã nhiều năm, vừa lãng phí tiền bạc, vừa gây phản cảm. Tiếc từng tấc đất, chúng tôi tận dụng những khoảnh đất quanh các ngôi biệt thự để trồng rau, cải thiện đời sống”.
Không chỉ vậy, dãy biệt thự xây thô bỏ hoang nhiều năm nay tại một vài khu đô thị trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, nơi nhiều đối tượng lạ mặt thường xuyên lui tới.
Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số lượng biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, thực trạng hoang hóa nhiều năm nay với cỏ dại mọc đầy, rêu mốc bủa vây ở khá nhiều khu đô thị tại Hà Nội, đặc biệt khu vực dọc các trục Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài, quốc lộ 32… đã và đang gây lãng phí lớn về tài nguyên đất, lãng phí về tiền bạc của nhân dân, của xã hội, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự.
Cần nhiều giải pháp khắc phục
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc nhiều biệt thự bỏ hoang không người ở tại một số khu đô thị là hệ quả tất yếu của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển "nóng" (năm 2006-2010). Với việc đua nhau làm dự án, tranh thủ đầu cơ, phát triển đô thị không theo quy hoạch, kế hoạch, hệ lụy là hàng loạt khu đô thị mới xuất hiện, trong đó đa phần sản phẩm là biệt thự, nhà liền kề không đáp ứng đúng nhu cầu chính của thị trường.
Cùng với đó, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và một số dự án đã được phê duyệt trước đó không phù hợp với quy hoạch này. Vì thế, nhiều "nhà đầu tư" trót mua biệt thự, nhà liền kề lâm vào tình trạng "bán không được, ở không xong".
Biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền |
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, quý I-2013 tổng giá trị tồn kho bất động sản đã lên đỉnh điểm: Hơn 33.000 căn hộ chung cư, hơn 15.000 căn nhà thấp tầng (biệt thự và nhà liền kề), trên 11.972.000m2 đất nền nhà ở và thương mại... với tổng giá trị 128.000 tỷ đồng. Nhận ra "điểm nghẽn" này, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, như điều chỉnh cơ cấu dự án, cơ cấu hàng hóa hợp lý theo hướng phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua. Trong đó có việc “chia nhỏ” diện tích căn hộ, cho phép tồn tại các căn hộ diện tích dưới 45m2.
Nhờ vậy, đến nay tồn kho bất động sản giảm dần. Tính đến tháng 6-2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, đã giảm 81,27% so với lúc đỉnh điểm ở quý I-2013. Tuy nhiên, các giải pháp này mới cơ bản giải quyết được tồn kho đối với các căn hộ chung cư. Việc giải bài toán lãng phí đối với biệt thự bỏ hoang vẫn là vấn đề không đơn giản.
Ông Nguyễn Huy Khanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, ngoài nguyên nhân hạ tầng chưa đồng bộ, không ít bất động sản này là “hàng” do các nhà đầu tư găm giữ. Các biệt thự bỏ hoang của Hà Nội hầu hết đã có chủ, hoặc của giới đầu cơ, hoặc của người dân nhưng đều không được sử dụng. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư đồng bộ hạ tầng, từ đó mới thu hút được người dân đến ở.
"Nhà nước cần có chính sách quyết liệt kiểm soát việc sở hữu nhà ở đối với những người đầu cơ nhằm tránh lãng phí đất đai, hạn chế, giảm được biệt thự bỏ hoang" - ông Khanh đề xuất.
Còn Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong trường hợp không thu hồi, không chuyển đổi được tại các khu đô thị bỏ hoang thì Nhà nước cần thực hiện giải pháp cứng rắn, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện mặt ngoài các công trình nhằm giữ gìn cảnh quan đô thị.
“Khi phê duyệt dự án, quy hoạch, các cấp có thẩm quyền nên quan tâm đến việc phân bổ các phân khúc nhà chung cư, biệt thự… cho phù hợp tại các dự án; giảm biệt thự, tăng chung cư, tùy vị trí mà áp dụng để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người dân” - ông Nghiêm đưa ra giải pháp.