Để xóa ấn tượng xấu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 28/09/2018
Công bằng mà nói, thời gian qua, ngoài chủ trương chung của Nhà nước, TP Hà Nội đã có sự quan tâm đặc biệt đến chính sách giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng, vận hành và quản lý nhà tái định cư. Cụ thể, UBND thành phố đã có Quyết định 47/2016/QĐ-UBND (ngày 8-11-2016) phê duyệt mức hỗ trợ cho các đối tượng tự lo tái định cư bằng tiền với các dự án có chính sách bố trí nhà tái định cư trên địa bàn là 6,8 triệu đồng/m2. Với mức hỗ trợ trên, các hộ dân bị thu hồi đất đủ điều kiện được bố trí tái định cư sẽ có thêm sự lựa chọn.
Tiếp đến, cuối năm 2017, TP Hà Nội đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất cơ chế đặt hàng xây nhà ở tái định cư. Theo đó, thành phố tạo quỹ đất (đã giải phóng mặt bằng) lựa chọn nhà đầu tư xây nhà tái định cư theo quy hoạch được duyệt. Sau khi tiến hành dự án, nhà đầu tư được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường hoặc được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không tính phí lãi vay ngân hàng). Thành phố đặt hàng với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà và thu tiền của người mua.
Ngoài ra, một trong những giải pháp mà Hà Nội đang dự kiến triển khai là chuyển giao quyền quản lý diện tích công cộng, dịch vụ của tòa nhà (trừ phần thuộc sở hữu nhà nước) để các chủ sở hữu (đại diện là ban quản trị) tự khai thác, trang trải chi phí vận hành. Thành phố cũng giao chính quyền các cấp nơi có nhà chung cư tái định cư đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị... Với quỹ nhà đang khai thác, thành phố đang xem xét, chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành lập và bàn giao hồ sơ tòa nhà cho ban quản trị sau khi được thành lập...
Tuy nhiên, với những giải pháp "dự kiến" và "đang xem xét" này, việc gỡ vướng, xóa bỏ những định kiến về nhà tái định cư xem ra còn khá nan giải. Trong khi đó, thống kê cho thấy, đến năm 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, nhưng các dự án đang triển khai chỉ đáp ứng được khoảng 4.500 căn. Nếu không sớm có biện pháp cải thiện, việc chậm trễ này sẽ kéo theo nhiều dự án bị “đóng băng”, gây thiệt hại khó đong đếm cho xã hội.
Nhìn thấy bất cập đã khó, đưa ra những giải pháp để tháo gỡ tình hình, để người dân không “quay lưng” với nhà tái định cư là việc khó hơn. Do đó, điều phải làm ngoài việc bảo đảm có quỹ nhà đạt chất lượng như các dự án nhà ở thương mại, cơ quan quản lý cũng cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề làm thế nào để bảo đảm đời sống, thu nhập, sinh kế của người tái định cư. Giải quyết tái định cư là phải đưa ra những phương thức tái định cư phù hợp với sinh kế, thu nhập, công việc của người dân, để đạt mục tiêu nơi ở mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.
Rõ ràng, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư là một chủ trương đúng của Nhà nước. Những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đã có. Thiết nghĩ, nếu có sự linh hoạt và điều chỉnh đúng hướng, về lâu dài nhà tái định cư sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt người dân, những nghịch lý liên quan cũng sẽ sớm được tháo gỡ.