Kết nối tiêu thụ để phát triển chăn nuôi

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 28/09/2018

(HNM) - Thực tế cho thấy, việc quan trọng nhất trong phát triển chăn nuôi bền vững hiện nay là tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao tại Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Nam Khánh


Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỷ trọng chăn nuôi đã chiếm hơn 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp của Thủ đô. Hiện đàn trâu của Hà Nội là hơn 25.000 con, đàn bò gần 130.000 con (trong đó bò sữa 15.675 con), đàn lợn hơn 1,86 triệu con, đàn gia cầm gần 30 triệu con. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi gồm thịt trâu là hơn 1.600 tấn, thịt bò 110.000 tấn, sữa tươi hơn 40.000 tấn, thịt lợn hơn 330.000 tấn, thịt gia cầm 92.000 tấn, trứng gia cầm gần 1,5 tỷ quả.

Để hạn chế dư thừa, ứ đọng sản phẩm chăn nuôi, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng linh hoạt. Tùy từng mô hình mà thành phố có cách tổ chức liên kết phù hợp, như lấy doanh nghiệp, hợp tác xã... làm trọng tâm, đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm... Theo đó, đến nay, trên địa bàn thành phố đang phát triển ổn định 23 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, thịt lợn sinh học Organic Green, gà đồi Sóc Sơn... Ngoài ra, thành phố xây dựng được hơn 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu sản phẩm của các chuỗi, tập trung tại khu vực nội thành. Giá sản phẩm chăn nuôi khi được kết nối tiêu thụ tốt đã gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 đến 20% so với sản phẩm khi chưa được kết nối tiêu thụ theo chuỗi.

Tuy nhiên, trong thực tế, các chính sách khuyến khích hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm. Thực tế nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng cũng như các sản phẩm chăn nuôi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên đã cản trở việc mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cho hay: Để thực hiện được chuỗi liên kết tiêu thụ, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn từ con giống, thức ăn chăn nuôi, quản lý chất lượng, đầu tư chế biến sâu đến xây dựng thương hiệu. Chỉ tính riêng nhà máy xử lý, chế biến trứng gà an toàn của doanh nghiệp đầu tư tại huyện Phúc Thọ đã lên tới hơn 100 tỷ đồng ở giai đoạn đầu tiên. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được tốt, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen tiêu dùng, quan tâm hơn đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chăn nuôi.

Đề cập đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cần có thêm cơ chế hỗ trợ để bảo đảm lợi ích của các bên tham gia chuỗi, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ chăn nuôi trong ký kết hợp đồng. Người chăn nuôi cần xác định chăn nuôi phải gắn với thị trường, trước khi tái đàn có tính toán kỹ và có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tham gia chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn; tham gia các chuỗi của thành phố đã xây dựng, tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào, không gắn với thị trường.

Sơn Tùng