Tiễn đưa nhà lãnh đạo bình dị, gắn bó với nhân dân về đất mẹ

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 28/09/2018

(HNM) - Với mong muốn được tiễn biệt nhà lãnh đạo bình dị, gắn bó với nhân dân về nơi đất mẹ, từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã có mặt tại Nhà tang lễ quốc gia và đứng chật kín trên những tuyến đường mà đoàn xe đưa linh cữu Chủ tịch nước đi qua...

Nước mắt tiếc thương của người dân Ninh Bình trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN


Sáng sớm 27-9, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã có mặt tại khu vực Nhà tang lễ quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) với mong muốn được tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Từ 7h, bà Phạm Thị Hương (61 tuổi, trú tại 157 đường Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) đã đứng chờ tại cổng Nhà tang lễ quốc gia. Bà cho biết: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, tôi cũng như bao người dân bình thường khác đều mong muốn được tiễn đưa ông lần cuối. Giá như ông có nhiều thời gian, nhiều sức khỏe hơn nữa thì sẽ có thể cống hiến, phục vụ nhân dân nhiều hơn... Việc ông ra đi khiến người dân không khỏi tiếc nuối, xót xa".

Nghẹn lời khi nói về Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bà Nguyễn Thị Nhung (80 tuổi, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) chia sẻ: “Tôi không khỏi xót xa khi Chủ tịch nước ra đi quá sớm. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ mong được nhìn thấy linh cữu của Chủ tịch nước lần cuối”. Hòa trong dòng người đến tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Đinh Minh Tân (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cũng xúc động: "Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Chủ tịch nước tiếp đoàn khách quốc tế chỉ 2 ngày trước khi ông ra đi. Nhân dân chúng tôi tiếc thương ông, một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi, vì nước, vì dân đến hơi thở cuối cùng".

Ông Nguyễn Hùng (trú tại phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) lại nhớ về hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước giờ đón giao thừa năm Đinh Dậu 2017 khi đi kiểm tra các đơn vị ứng trực phục vụ nhân dân đón Tết. “Trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, Chủ tịch nước đã đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tặng quà một số bệnh nhân; thăm, động viên công nhân môi trường đô thị, chiến sĩ cảnh sát trật tự đang thực thi nhiệm vụ... Đó là niềm động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao” - ông Nguyễn Hùng bày tỏ.

Có mặt trong dòng người chờ đưa tiễn Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại khu vực nhà riêng của Chủ tịch nước ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, bà Đậu Thị Hương (tổ dân phố 31, khu dân cư Nam Thăng Long 1, phường Nhân Chính) cho biết, đã công tác trong ngành Công an gần 34 năm, thường xuyên được tiếp xúc và nghe Đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo trực tiếp nhiều nhiệm vụ... Dù ở cương vị nào, Đại tướng cũng luôn gần gũi, tình cảm với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Đại tướng vẫn luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho nhân dân cả nước nói chung và khu dân cư Nam Thăng Long 1 nói riêng. Sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là mất mát to lớn không gì có thể khỏa lấp.

Tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, từ sáng sớm 27-9, ông Trần Minh Kỳ, trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh đã tới chờ tham dự Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang. “Tôi cảm nhận được sự mất mát to lớn như chính mình đang mất đi người thân, dân tộc đã mất đi một nhà lãnh đạo tâm huyết, vì nước, vì dân” - ông Trần Minh Kỳ xúc động.

Hòa thượng Thích Như Niệm - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng bày tỏ: "Lễ truy điệu được tổ chức xứng đáng với người tận tâm cống hiến cho nhân dân, dân tộc. Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ giã cõi trần là một thiệt thòi, mất mát lớn với đất nước, với nhân dân".

Người dân Thủ đô tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Viết Thành


Tại quê nhà của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từ sáng sớm, người dân tỉnh Ninh Bình cũng đã tập trung tại các tuyến đường nơi đoàn xe đưa linh cữu Chủ tịch nước đi qua để tiễn biệt. Hơn 16h cùng ngày, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã an nghỉ trong lòng đất mẹ, đông đảo các tầng lớp nhân dân từ khắp nơi tiếp tục tới kính cẩn nghiêng mình từ biệt. Ông Điền Văn Ninh (62 tuổi, ở phố Hưng Thịnh, phường Bích Đào, TP Ninh Bình) cho biết, ngay sau khi theo dõi xong truyền hình trực tiếp Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang, không quản ngại quãng đường 28km, ông đã đi xe máy về nơi tổ chức Lễ an táng. Ông Tạ Ngọc Chiến, 69 tuổi, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bùi ngùi: Cư dân vùng bãi ngang 3 xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải sẽ nhớ mãi Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự quan tâm và tình cảm chân thành mà ông đã dành cho bà con địa phương...

Là bạn học cùng trường từ nhỏ bà Nguyễn Thị Thêu (62 tuổi, trú tại TP Ninh Bình) kể: Nhà tôi và nhà anh Trần Đại Quang cũng chỉ cách nhau vài chục mét. Hằng ngày đi học, chúng tôi và các bạn cùng trang lứa vẫn đi cùng nhau trên con đường làng. Anh Quang là người học giỏi có tiếng ở địa phương. Sau này, dù ở bất kỳ cương vị nào, anh vẫn luôn thể hiện rõ tài năng, đức độ, được nhân dân tin, yêu. Nghe tin anh Quang mất, tôi và gia đình hết sức bàng hoàng. Bà con họ hàng hay tin ai cũng xót xa, bồi hồi. Nhờ có công sức đóng góp của anh mà đất nước, quê hương có nhiều đổi mới, phát triển. Biết tin hôm nay anh về với đất mẹ, tôi thu xếp việc nhà để về viếng anh, ôn lại những kỷ niệm về một vị Chủ tịch nước - một người bạn mà chúng tôi luôn yêu quý.

Ông Vũ Đức Hoàng, cựu chiến binh (60 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định) cho biết: Tôi đi xe máy từ 4h sáng sang Ninh Bình viếng, tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang với lòng tiếc thương vô hạn. Chủ tịch nước là người có đóng góp lớn trong việc nâng cao vị thế đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế thông qua các diễn đàn, hội nghị tầm cỡ châu lục, thế giới, cũng như qua các chuyến công du nước ngoài...

Nhóm phóng viên Báo Hànộimới