Tài hoa Vân Hà
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 01/10/2018
Điêu luyện đôi bàn tay
Thôn Thiết Úng (còn gọi là làng Đóm) được coi là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng ở xã Vân Hà (huyện Đông Anh). Theo các cụ cao niên trong thôn, chẳng rõ nghề này có từ khi nào, chỉ biết, khi Thiết Úng được chọn để đặt tên thôn thì nghề chạm khắc đã có trước đó. Vào thời nhà Nguyễn, một số người thợ trong thôn được chọn đưa vào cung để tham gia xây dựng lăng tẩm, cung điện cho vua chúa… Quá trình miệt mài lao động, sáng tạo, nhiều nghệ nhân trong thôn được triều đình ban sắc phong.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền ở thôn Thiết Úng - đời thứ 4 trong gia đình theo nghề chạm khắc cho hay, hiện nay, đình chùa, nhà thờ họ Đồng tại thôn đang lưu giữ những mảng chạm khắc có tuổi đời vài trăm năm. “Những bức chạm trổ tinh xảo đó được tạo ra từ những đôi bàn tay của các nghệ nhân xưa - là bức tranh mang dấu ấn lịch sử, nhắc nhở con cháu Vân Hà ngày nay về nghề của cha ông” - ông Truyền tự hào.
Nghệ nhân làng nghề Vân Hà bằng đôi bàn tay điêu luyện đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc. |
Còn theo lời cụ Đồng Văn Ngọc (cùng thôn) - một trong những nghệ nhân của dòng họ được coi là “tổ nghề” trong thôn: “Đã là người dân thôn Thiết Úng thì từ nhỏ đều biết cầm đục theo ông cha học nghề. Cái khó nhất để theo được nghề là phải luyện tâm, lĩnh hội được tinh hoa để qua đôi bàn tay truyền vào tác phẩm.
Đối với các sản phẩm tượng, phải dùng cái tâm, sự sáng tạo, sự cảm nhận tinh hoa để truyền vào từng đôi mắt, gương mặt hay đôi bàn tay, bàn chân của nhân vật; làm sao toát lên được sự đồng bộ, hài hòa, mềm mại và sinh động. Còn đối với chạm khắc mỹ nghệ, cần sự tỉ mỉ, nét chạm, đục to, nhỏ được phân bổ hài hòa trên khuôn hình… Cũng chính nét tài hoa riêng biệt này, người xưa vẫn hay gọi những người thợ Vân Hà là người ''thổi hồn vào gỗ".
Dù hiện nay máy móc góp phần rất lớn trong việc giảm khâu nặng nhọc trong chế tác song có những khâu chạm, khảm, đục, tạo hình... dứt khoát phải làm bằng tay, không máy móc nào có thể thay thế được” - cụ Ngọc chia sẻ.
Nghề chạm khắc gỗ cứ thế theo bàn tay và tâm hồn người dân thôn Thiết Úng truyền từ đời này qua đời khác. Dần dần, nghề được nhân rộng tới các thôn và trở thành nghề truyền thống của cả xã Vân Hà. Bằng sự truyền nối lịch sử trong nghề, người Vân Hà theo thế mạnh và sở trường mà phát huy. Mỗi thôn có cách kế thừa và phát triển riêng như: Thôn Cổ Châu, Hà Khê thì chuyên sản xuất đồ gia dụng phục vụ đời sống (giường, tủ, bàn, ghế...); thôn Thiết Úng và Vân Điềm chuyên điêu khắc mỹ nghệ, tạc tượng; thôn Thiết Bình chuyên mua bán cung cấp nguyên liệu gỗ từ miền Trung, Tây Nguyên và nước bạn Lào… Dù sản phẩm khác nhau, nhưng nét tinh xảo của bàn tay người Vân Hà luôn có đặc trưng, khác biệt với những địa phương cùng nghề...
Không chỉ giỏi giữ nghề, người Vân Hà còn “biến” nghề thành thế mạnh trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà Nguyễn Văn Nhuẩn cho biết, toàn xã có 15 công ty TNHH chuyên buôn bán, chế biến và sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng đồ gỗ. Trung bình mỗi năm, các hộ làng nghề thu về hàng trăm đến vài tỷ đồng. Đến nay, khoảng 85% người dân trong xã làm nghề gỗ, với khoảng 4.000 lao động.
Ngoài ra, Vân Hà còn tạo việc làm cho 1.500-2.000 lao động thường xuyên trong vùng. Năm 2017, doanh thu từ tiểu - thủ công nghiệp của làng nghề đạt hơn 226,5 tỷ đồng, chiếm 70% doanh thu toàn xã. Đặc biệt, các sản phẩm gỗ tại Vân Hà được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu tới các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản... Từ nghề, nhiều hộ dân Vân Hà đã vươn lên làm giàu, đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại
địa phương.
Gìn giữ và phát triển
Người nối nghề, đời truyền đời, làng nghề Vân Hà hôm nay đang khởi sắc. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời hội nhập, Vân Hà đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề. Ngoài chắt lọc tinh hoa nghề truyền thống, nghệ nhân và thợ làng nghề còn kết hợp với xu hướng hiện đại, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp...
Là một trong những người trẻ tuổi theo nghề chạm khắc gỗ trong gia đình có 5 đời theo nghề, anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: "Ngoài những tác phẩm tạo hình, chạm khắc tượng, tôi còn chế tác các sản phẩm tủ, gương, áng hương… bán rộng rãi trên cả nước, trong đó chủ lực là thị trường TP Hồ Chí Minh. Đồ gỗ của Vân Hà được khách hàng rất ưa chuộng bởi hoa văn tinh tế và luôn có nét riêng".
Cũng như nhiều làng nghề khác, cùng với sự phát triển, làng nghề Vân Hà đang còn nhiều khó khăn. Trăn trở lớn nhất của Vân Hà hiện nay là mặt bằng sản xuất quá chật hẹp, tất cả các gia đình phải tận dụng sân phơi, vườn cây, ao cá... làm xưởng sản xuất. Người làng nghề mong muốn có khu sản xuất tập trung với hạ tầng cơ sở đồng bộ, vừa thuận lợi trong hoạt động và giao thương; vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Một trăn trở nữa từ những nghệ nhân tại Vân Hà là bài toán giữ nghề.
"Phát triển theo nhu cầu thị trường là tất yếu, nhưng tinh hoa của nghề phải được lưu truyền. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của người Vân Hà, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các ngành chức năng; có chính sách đào tạo nghề; thông qua các lớp dạy nghề để truyền nghề, giữ nghề và phát triển nghề..." - nghệ nhân Đỗ Văn Thụ đề nghị.
Ngoài ra, người thợ Vân Hà còn mong được hỗ trợ của ngành Văn hóa để lưu giữ hình tượng những vị vua của Việt Nam qua các tác phẩm điêu khắc như: Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Lê Thái Tổ, Quang Trung… hoặc chân dung những vị tướng tài, danh nhân của đất nước. "Người thợ Vân Hà rất cần những hình mẫu trang phục, ngai vị, hồn cốt… làm cơ sở tạo hình chuẩn xác, qua đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể viết sử bằng gỗ..." - Nghệ nhân Đồng Văn Huy chia sẻ.
Để bảo tồn và giúp nghề chạm khắc Vân Hà phát triển, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khoảng 10ha đất để làm khu sản xuất tập trung cho làng nghề. Hiện, UBND huyện Đông Anh đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Chắc chắn, sau khi khu sản xuất tập trung hoàn thành, Vân Hà sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển nghề truyền thống. Để quảng bá cho làng nghề, Đông Anh đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng cho Vân Hà phát triển du lịch theo mô hình làng nghề ven đô.