Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Giao thông - Ngày đăng : 19:46, 01/10/2018

Chiều 1-10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Theo Quy hoạch điều chỉnh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý), trong đó diện tích Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,1ha, diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ là 19,79ha, diện tích đất quốc phòng liên doanh với hàng không dân dụng là 18,8ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam là 35,66ha và diện tích đất bổ sung phía Bắc là 171,65ha.

Quang cảnh buổi công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)


Hệ thống nhà ga T1, T2 hiện hữu sẽ được cải tạo, mở rộng để nâng công suất đạt 30 triệu lượt khách/năm; quy hoạch bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất 20 triệu lượt khách/năm để nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Cùng với đó, quy hoạch bổ sung nhiều hạng mục quan trọng như bổ sung 3 đường lăn song song, 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay, sân đỗ máy bay, các hệ thống đường trục ra vào cảng, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, hồ điều hòa…

Với quy hoạch điều chỉnh này, sau khi nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu lượt khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 0,8-1 triệu tấn/năm. Loại máy bay khai thác gồm A320/321, B747, B777/787, A350 và tương đương, số vị trí đỗ là 106 vị trí.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau lễ công bố, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo ngay Cục Hàng không triển khai quy hoạch với các đầu việc cụ thể từ xây dựng các nhà ga, hệ thống giao thông kết nối… Ngoài việc nghiên cứu xin Thủ tướng chủ trương sớm đầu tư nhà ga T3, các đơn vị cũng cần đầu tư nâng cấp nhà ga T1, T2 hiện hữu, cố gắng cân đối nguồn lực để thực hiện.

Về lộ trình đầu tư, theo Bộ Giao thông Vận tải, trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao, ưu tiên triển khai đầu tư ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ ở khu vực phía Nam để giảm ùn tắc giao thông; ưu tiên triển khai đầu tư ngay hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức ở khu vực phía Bắc, để chống ngập. Ngoài ra, hệ thống đường trục ra vào cảng sẽ triển khai đầu tư ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP Hồ Chí Minh…

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, các công trình trọng điểm phải triển khai đồng bộ với nhà ga T3 để khi đưa vào khai thác được đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Theo kế hoạch tính toán, đến năm 2022, các hạng mục công trình cơ bản nhất để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm phải hoàn thành. Đây là mục tiêu phải phấn đấu rất cao để đạt được.

Theo Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)