Chậm giải ngân vốn ứng dụng công nghệ thông tin: Vì sao?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 01/10/2018

(HNM) - Việc giải ngân vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin hiện rất chậm, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án, mà còn gây khó khăn cho nhà cung cấp dịch vụ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Giải ngân vốn kịp thời sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Nhật Nam


Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, do vậy trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chương trình mục tiêu về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố (giai đoạn 2011-2015; 2016-2020). Hằng năm, thành phố đều dành ngân sách để triển khai chương trình mục tiêu này. Cụ thể, vốn cho ứng dụng được bố trí như sau: Năm 2016 kinh phí là 90 tỷ đồng; năm 2017: 520 tỷ đồng; năm 2018: 920 tỷ đồng; nhưng việc phân giao chi tiết cũng như giải ngân vốn đều chậm. Năm 2018, tại thời điểm xây dựng báo cáo giám sát (ngày 27-4-2018), vẫn chưa phân bổ chi tiết 911,458 tỷ đồng và đến ngày 20-9-2018, vẫn chưa phân bổ thêm và cũng chưa giải ngân vốn.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư đã làm cho nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin bị chậm tiến độ, đồng thời còn gây khó khăn cho nhà cung cấp dịch vụ. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Được biết, để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ và để việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin được thuận lợi, tránh sự manh mún và không đồng bộ, từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 30-12-2014) quy định thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Đây được coi là văn bản “mở đường” để đẩy mạnh quá trình xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Bên cạnh mặt tích cực mà Quyết định số 80 mang lại, thì thực tế áp dụng cũng bộc lộ nhiều bất cập, tại thời điểm này, sau gần 4 năm, cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau gần 10 năm thực hiện cũng không còn phù hợp, cộng đồng công nghệ thông tin, mà đại diện là các doanh nghiệp như FPT, Viettel, VNPT nhiều lần phản ánh sự bất cập này.

Thêm nữa, Nghị quyết 36a/NQ-CP (ngày 14-10-2015) của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử đã đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công; tuy nhiên các bộ chuyên ngành lại không có hướng dẫn, nên việc thực hiện chỉ định thầu đối với thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, có thể thấy rằng, điểm mấu chốt chính là sau khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành - chưa ban hành văn bản hướng dẫn, chưa sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tế, dẫn đến việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin nói chung và giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho công nghệ thông tin bị vướng.

Thực tế, tại Hà Nội, một số doanh nghiệp đã, đang triển khai các hạng mục về dịch vụ công, các ứng dụng cho chính phủ điện tử và thành phố thông minh trong những năm gần đây chưa được nhận kinh phí chi trả từ thành phố. Nếu không sớm tháo gỡ thì các dự án ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng nói trên sẽ còn tiếp tục chậm trễ.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 80 để trình Chính phủ ban hành; đã xây dựng Dự thảo Quyết định quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước (đang lấy ý kiến nhân dân tại website của Bộ)... Đây được coi là động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung.

Việt Nga