Giáo dục di sản: "Mềm hóa" cách tiếp cận lịch sử
Giáo dục - Ngày đăng : 06:03, 02/10/2018
Một giờ ngoại khóa tìm hiểu về giá trị lịch sử của đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm). |
Mỗi nơi mỗi cách
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác giáo dục di sản với học sinh, nhất là trong bối cảnh khá nhiều em thờ ơ với môn lịch sử, ít mặn mà trong việc tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống và một bộ phận học sinh có suy nghĩ, lối sống lệch lạc, nhiều trường học ở Thủ đô đã chủ động kết nối, tổ chức cho học sinh đi tham quan, học tập ngoại khóa tại các địa chỉ văn hóa, lịch sử. Ghi nhận chung, việc giáo dục lịch sử, giáo dục di sản cho học sinh thường được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, thông qua các cuộc thi tìm hiểu, trình diễn tiểu phẩm, trò chơi dân gian; một số trường triển khai bằng cách tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế...
Năm học 2017-2018, nhằm động viên, khích lệ những học sinh rèn luyện tốt, học giỏi, học sinh vượt khó học tốt, Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đã tổ chức lễ báo công và học tập ngoại khóa tại Khu di tích K9 Đá Chông (huyện Ba Vì). Ngoài phần lễ, các em được tham quan, nghe giới thiệu về di tích và các hiện vật, được tham gia trò chơi tập thể...
Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cũng là một đơn vị tích cực trong việc này, tuy nhiên, với độ tuổi học sinh còn nhỏ, việc tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động giáo dục di sản có sự khác biệt so với học sinh ở các cấp học lớn hơn. Cô giáo Đỗ Diệu Thúy cho biết, việc tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu thực tế giúp kích thích khả năng sáng tạo, sự chủ động của học sinh. Ví dụ, để học sinh hiểu rõ về bức phù điêu "Mãnh hổ hạ sơn", trước khi đưa học sinh tới tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tìm các mẩu chuyện, tranh, ảnh... về con hổ; khi đến lớp, giáo viên cho học sinh trao đổi về những tư liệu tìm được và giới thiệu tổng quan về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có bức phù điêu nói trên... Vì vậy, lúc tới thực địa, các em rất háo hức khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Việc ghi nhớ những thông tin liên quan trở nên dễ dàng hơn với hầu hết học sinh.
Giáo dục di sản cho học sinh là nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thí điểm triển khai từ vài năm nay, tuy nhiên, cách thức thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Ở nhiều trường, công tác giáo dục di sản mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, tổ chức hoạt động tập thể tại các khu di tích. Cho tới giờ, ngành Giáo dục cũng chưa có một cuộc đánh giá, tổng kết nào về vấn đề này để nhìn lại những mặt được, chưa được của công tác giáo dục di sản trong nhà trường.
Một cách giáo dục hiệu quả
Đề cập đến công tác giáo dục di sản trong nhà trường, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhận định: Công tác giáo dục di sản cho học sinh đã bước đầu đem lại hiệu quả, tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện của học sinh. Nhiều học sinh hứng thú hơn với giờ học lịch sử, tích cực tiếp cận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Tuy nhiên, để giáo dục di sản không còn là việc tự phát của mỗi nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản trong các trường học. Đây là đơn vị quản lý hai khu di tích quan trọng trên địa bàn thành phố là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa - những khu di tích có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa lớn, vốn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nói chung và học sinh nói riêng.
Giáo dục lịch sử tại di sản luôn tạo hứng thú học tập cho học sinh. |
Theo thỏa thuận, từ năm học 2018-2019, hai bên sẽ phối hợp triển khai chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học tập ngoại khóa cho học sinh các cấp tại các khu di tích. Tại đây, ngoài việc trực tiếp tham quan, các em được nghe hướng dẫn, thuyết minh và chủ động tìm hiểu hiện vật thông qua việc trả lời câu hỏi trong phiếu hoạt động, chơi trò chơi dân gian, tham gia hoạt động khảo cổ, tự tay làm sản phẩm thủ công truyền thống... Cô giáo Trần Thị Sơn Ca, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) chia sẻ: Các hoạt động như “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long”... không chỉ tạo hứng thú cho học sinh khi tìm hiểu về lịch sử, mà còn giúp giáo viên điều chỉnh cách thức giảng dạy môn học này, góp phần hạn chế việc dạy học kiểu “thầy nói, trò ghi” khiến học sinh tiếp thu kiến thức thụ động.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bày tỏ: "Sự háo hức của học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử qua các câu chuyện, hiện vật... là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các em không quay lưng với lịch sử. Giáo dục di sản đem đến cách tiếp cận và diễn giải lịch sử độc đáo, tạo hứng thú để các em chủ động tìm hiểu, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của học sinh trước các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Đó cũng là nền tảng để các em trở thành công dân Thủ đô có trách nhiệm".