Nỗ lực cải cách, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 02/10/2018
Điện tử hóa thủ tục hải quan
Với việc Luật Hải quan 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 được thông qua, số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã giảm từ 239 thủ tục (vào thời điểm trước khi có Luật Hải quan 2014), xuống còn 183 thủ tục hiện nay. Phần lớn thủ tục đã được đơn giản hóa về hồ sơ giấy tờ, phương thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, vừa qua Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm tiếp 15/31 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan. Ông Nguyễn Trần Hiệu, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan đã thực hiện kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan Hải quan và các ngân hàng thương mại, cho phép doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nộp thuế 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, đồng thời giảm thời gian nộp thuế từ 2 ngày như trước đây xuống còn 1 phút. Cùng với đó, ngành Hải quan cũng triển khai hệ thống công nghệ thông tin, kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, các hãng vận tải xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cho phép kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhưng vẫn tạo thông thoáng và giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Bên cạnh việc cải cách thủ tục, Tổng cục Hải quan cũng thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, ngành Hải quan đã rà soát, kiện toàn bộ máy hướng đến tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Toàn ngành đã chú trọng tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ của cán bộ hải quan, ban hành quy chế công vụ, quy chế quản lý hải quan trên 3 cấp...
Cắt giảm mạnh thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Mặc dù nỗ lực cải cách của ngành Hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, song một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp băn khoăn nhất hiện nay chính là việc giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, Tổng cục Hải quan đã, đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành cải tiến phương pháp kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Hiện, đã có 13 bộ, ngành sửa đổi 81/87 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hàng hóa kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra. Tuy nhiên, còn nhiều việc mà ngành Hải quan sẽ tiếp tục phải thực hiện, như công nhận kết quả kiểm tra của các nước tiên tiến khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến thông quan hàng hóa hay ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rủi ro trong khi thông quan hàng hóa... Đặc biệt, ngành Hải quan đang xây dựng đề án thí điểm bảo lãnh thông quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.
Với những nỗ lực cải cách đã thực hiện, chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam tại Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận những kết quả tích cực: Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đã rút ngắn đáng kể, giảm 6 giờ với hàng hóa nhập khẩu (từ 138 giờ xuống còn 132 giờ). Với hàng hóa xuất khẩu cũng giảm từ 108 giờ xuống còn 105 giờ.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ngành Hải quan đã ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, triển khai đề án nộp thuế điện tử và thông quan với 13 ngân hàng thương mại tham gia... Những nỗ lực này đã khẳng định quyết tâm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp của ngành Hải quan.