Sẽ có đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 02/10/2018
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
- Xin đồng chí đánh giá khái quát về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020"?
- Nghị quyết 09-NQ/TƯ ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TƯ, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, quan trọng, tạo ra sự đổi mới căn bản từ tư duy đến nhận thức; từ kinh tế đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế… liên quan đến biển, kinh tế biển. Trước khi có nghị quyết, nhìn chung, kinh tế biển chưa được quan tâm nhiều, đời sống nhân dân ven biển còn rất khó khăn. Khi có nghị quyết, các cấp, các ngành đã chuyển hẳn sang tư duy hướng mạnh ra biển. Kinh tế - xã hội ven biển phát triển; các tỉnh, thành phố ven biển đã trở thành khu vực năng động, tạo động lực đổi mới cho cả nước. Nhiều vùng ven biển đã trở thành trung tâm kinh tế, tạo sức hút đầu tư, hợp tác quốc tế rất lớn. Thành quả thuyết phục nhất trong 10 năm qua là khu vực ven biển đã vươn lên đóng góp từ 60 đến 70% GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực này cũng tăng nhanh.
Tuy nhiên, xét việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể, một số chỉ tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 09-NQ/TƯ đã không đạt được như kỳ vọng, ví như sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải...
- Đồng chí có thể làm rõ nguyên nhân những chỉ tiêu quan trọng như công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí... không thể đạt được như kỳ vọng?
- Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, khai thác dầu khí không đạt được như mong muốn vì trong giai đoạn này, giá dầu thế giới xuống rất thấp do khủng hoảng kinh tế thế giới và sự xuất hiện của các nguồn năng lượng mới... Về công nghiệp đóng tàu, trong nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân quan trọng là còn duy ý chí, quá nóng vội, nên xảy ra những hậu quả xấu về quản lý nói chung, gây thất thoát, thiệt hại kinh tế.
Ngoài ra, việc không đạt được một số chỉ tiêu còn do bối cảnh khách quan là ngay sau khi ban hành nghị quyết thì trong hai năm 2007-2008, kinh tế thế giới xảy ra khủng hoảng. Cùng với đó là một số chỉ tiêu tính toán cũng chưa phù hợp. Những vấn đề này đều đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ đánh giá thẳng thắn, khách quan trong báo cáo trình Trung ương lần này.
- Dự kiến, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Nghị quyết này có điểm gì mới so với Nghị quyết 09-NQ/TƯ thưa đồng chí?
- Điểm mới của nghị quyết lần này là chúng ta sẽ chuyển từ mô hình kinh tế biển khai thác thô thành mô hình kinh tế biển xanh với tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu.
Nhìn lại giai đoạn trước đây ở nước ta, có thể thấy mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. "Sức khỏe" của các vùng biển của Việt Nam chưa được bảo đảm do chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển. Do đó, ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn diễn ra nghiêm trọng như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung; ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế. Nghị quyết mới sẽ nhằm khắc phục những bất cập này.
Nghị quyết sẽ có những đột phá quan trọng. Thứ nhất là đột phá liên quan đến thể chế khi chúng ta phải thể chế hóa các thỏa thuận hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế biển; ban hành các thể chế phù hợp để tạo ra nền tảng pháp lý nhằm đổi mới hoạt động kinh tế biển. Thứ hai là đột phá về áp dụng khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Nghị quyết sẽ nhấn mạnh về các mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường xã hội, kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo đảm trong phát triển có sự tương hỗ, cộng sinh và hữu cơ, giải tỏa các xung đột, tạo ra sự phát triển; kinh tế phát triển dựa trên bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững nhiều thế hệ.
- Những ngành kinh tế biển nào sẽ được quan tâm phát triển trong giai đoạn mới? Sau những khó khăn về phát triển công nghiệp đóng tàu, nhất là những vấn đề xảy ra với Vinashin, Vinalines, liệu công nghiệp đóng tàu có tiếp tục được quan tâm?
- Kinh tế biển xanh được đặt ra trong nghị quyết sẽ được xem xét, ban hành nhằm xây dựng nền kinh tế dựa trên kỹ thuật tiên tiến, lấy bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng phát triển. Trong đó, các ngành như du lịch sinh thái, khai thác năng lượng biển, tài nguyên chiến lược, dược liệu, công nghệ sinh học sẽ được quan tâm phát triển. Về khai thác thủy sản, chúng ta sẽ chuyển từ khai thác gần bờ kiểu truyền thống sang khai thác xa bờ gắn với công nghiệp hóa khai thác và yếu tố bền vững của hệ sinh thái; đồng thời chuyển từ khai thác sang “nuôi biển”, ứng dụng công nghệ để “nuôi biển” không chỉ ở ven biển và ở các vùng xa bờ, các đảo. Chúng ta sẽ chuyển một bộ phận người dân đánh bắt gần bờ sang “nuôi biển” ở các đảo và sang dịch vụ du lịch.
Về công nghiệp đóng tàu, có thể nói thế này, một quốc gia biển không thể đi mượn, đi thuê, đi mua tàu mãi được. Nên tôi nghĩ, đóng tàu vẫn là ngành kinh tế quan trọng. Nhưng chúng ta phải cơ cấu, tổ chức lại khắc phục hạn chế, bất cập và phù hợp với giai đoạn mới, tất cả để ngành Hàng hải đất nước tiếp tục phát triển, vươn ra thế giới…
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!