Bảo đảm nguyên tắc tự nguyện
Giáo dục - Ngày đăng : 06:55, 03/10/2018
Hà Nội hỗ trợ 30% chi phí cho trẻ em tham gia Chương trình sữa học đường. Ảnh: Minh Anh |
Không có việc ép phải tự nguyện
Chương trình "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt triển khai từ năm 2018 đến hết năm 2020. Thời điểm này, các nhà trường đang tổ chức cho gia đình học sinh đăng ký tham gia. Dù chưa có số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, song theo phản hồi từ các địa phương, trường học, tỷ lệ học sinh đăng ký ở nhiều nơi đã đạt hơn 60%. Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, các trường đều có thông báo tới toàn thể cha mẹ học sinh về ý nghĩa cũng như nội dung Chương trình sữa học đường.
“Hầu hết phụ huynh trong lớp đều ủng hộ chủ trương cho các con được uống sữa tại trường. Nếu hiểu đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa nhân văn của chương trình và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chắc chắn phụ huynh đều mong muốn con mình được thụ hưởng” - ông Lê Quang Huy, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) nhận định.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) thông tin: Một trong những căn cứ quan trọng để Hà Nội triển khai Chương trình sữa học đường là Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-TTg, ngày 5-7-2018, HĐND TP Hà Nội ra Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020". Tiếp đó, ngày 6-8-2018, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 4019/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình sữa học đường và giao Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai. Chương trình đặt mục tiêu trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân...
Theo đề án đã được phê duyệt, mỗi trẻ mầm non hoặc học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Giá 1 hộp sữa tối đa 6.800 đồng và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai. Để thực hiện Chương trình, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Như vậy, mỗi phụ huynh đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa. Trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được miễn phí.
Mục đích, ý nghĩa của chương trình này là rõ ràng, nhân văn. Căn cứ triển khai cũng rất chặt chẽ, minh bạch. Và đáng nói thêm là việc tham gia Chương trình sữa học đường tại Hà Nội là hoàn toàn tự nguyện, phụ huynh có thể đăng ký tham gia và xin dừng tại bất kỳ thời điểm nào. Sở GD-ĐT Hà Nội không quy định chỉ tiêu về số lượng học sinh uống sữa học đường là tiêu chí thi đua của các trường học.
Minh bạch thông tin
Tuy nhiên, một chương trình có tính nhân văn cao, đã từng được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng; nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội chủ động áp dụng trong một số năm học gần đây - vì sao giờ lại gây nhiều ý kiến trái chiều.
Sữa học đường là một chương trình mang ý nghĩa thiết thực. Ảnh: Đồng Nai |
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, mặc dù các thành phần trong sữa học đường đều được kiểm định, nhưng để tránh hiện tượng học sinh có thể bị dị ứng với một trong những thành phần của sữa, những ngày đầu triển khai, các nhà trường sẽ giám sát chặt chẽ việc học sinh uống sữa và cho các em uống từng ít một, có thể từ 1/3 hộp, rồi 1/2 hộp, sau đó mới cho uống cả hộp. |
Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho rằng, mục tiêu của Chương trình sữa học đường không chỉ đơn thuần là cải thiện thể lực và chiều cao của trẻ, mà còn nâng cao nhận thức, huy động sự chung tay của cộng đồng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ. Ngoài ra, với yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh uống sữa xong, gấp vỏ hộp đúng cách để chuyển đi xử lý, chương trình còn giáo dục học sinh ý thức vệ sinh môi trường.
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, với nhu cầu canxi 1.000mg/ngày đối với học sinh tiểu học, việc được uống thêm ít nhất một ly sữa mỗi ngày là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện, điều này càng có ý nghĩa hơn cho lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện có 11 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu. Sau khi đóng thầu (dự kiến ngày 10-10-2018), thông tin về đơn vị cung ứng sữa sẽ được công khai. “Để học sinh được hưởng quyền lợi tốt nhất, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ càng cao càng tốt (mức tối thiểu là 20%), giá thành hộp sữa càng thấp càng tốt” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết.
Chị Mai Kim Tình, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn B, quận Long Biên cho rằng, việc chọn nhà cung cấp sữa bằng cách tổ chức đấu thầu thể hiện sự minh bạch, công khai. Đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng sữa cũng được “điểm mặt, chỉ tên”, tạo sự yên tâm và tin tưởng đối với phụ huynh và dư luận. Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Hùng Lân (quận Ba Đình) chia sẻ: “Đây là một chủ trương đặc biệt ý nghĩa. Gia đình tôi có hai con đang học tiểu học, với mức trợ giá 50%, chi phí uống sữa của mỗi con tính ra chỉ là 68.000 đồng/tháng. Trong khi đó, phụ huynh được tự nguyện tham gia nên tôi rất ủng hộ”.